Chiều ngày 7/12/2023, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, Vụ Thanh toán và Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) thuộc Ngân hàng Nhà nước, tổ chức hội thảo “Ngân hàng mở/Open Banking 2023: Chuyển dịch mô hình kinh doanh từ đóng sang mở”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Quang Bính, Tổng thư ký Tòa soạn, kiêm Tổng Giám đốc Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, cho biết thời gian qua, ngành ngân hàng không chỉ chứng tỏ vị thế vai trò tin cậy của mình với nền kinh tế mà còn dẫn đầu khi tiếp cận với các xu thế quản lý, kinh doanh hiện đại của thế giới.
“Ngân hàng là ngành nắm giữ huyết mạch của nền kinh tế, quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ của ngành ngân hàng sẽ là động lực thúc đẩy số hóa nền kinh tế một cách nhanh chóng”, ông Đào Quang Bính khẳng định
Bùng nổ mạnh mẽ trên thế giới, cuộc cách mạng 4.0 bằng nhiều cách khác nhau đã thẩm thấu vào Việt Nam. Quá trình tiếp cận xu hướng này ở ngành ngân hàng khá nổi trội và với tốc độ chóng mặt.
Ban đầu là thanh toán trực tuyến qua máy tính kết nối Internet, sau đó là các sản phẩm, dịch vụ tiện ích ra đời được đính trên bề mặt những chiếc điện thoại thông minh thông qua các ứng dụng mà nhiều người vẫn gọi là app. Từ app, người dùng có thể thỏa sức trải nghiệm mua sắm, chi trả hầu hết các nhu cầu thiết yếu một cách tiện lợi, an toàn.
Không dừng ở đó, những khái niệm ngân hàng mở, chuẩn chung Open API, chia sẻ dữ liệu… hướng các chủ thể là ngân hàng, trung gian thanh toán, đơn vị cung ứng hàng hóa dịch vụ phải ngồi lại với nhau, để bàn về câu chuyện lớn hơn, hiệu quả hơn, đó là ngân hàng mở.
“Trong 2 năm gần đây, rất nhiều ngân hàng đã chủ động chuyển dịch mô hình kinh doanh từ truyền thống sang xu hướng giao tiếp với khách hàng bằng các cửa sổ trực tuyến, xóa bỏ ngăn cách không gian, thời gian và bối cảnh vật lý. Đây chính là cơ sở để ngành ngân hàng tiến xa hơn trong quá trình chuyển đổi sang ngân hàng mở/Open Banking một cách toàn diện, mạnh mẽ và nhanh chóng”, lãnh đạo Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy nói.
Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Tiến Dũng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Thống đốc NHNN ký quyết định 810 về chuyển đổi số năm 2021, trong đó mục tiêu xuyên suốt là lấy sự chuyển đổi trải nghiệm của khách hàng làm trọng tâm; thước đo duy nhất là khách hàng, các dịch vụ cho khách hàng.
“Có rất nhiều người nói chuyển đổi số nhưng mà với tôi chuyển đổi số của ngành ngân hàng, mơ ước duy nhất của tôi đó là người sử dụng được sử dụng tất cả các dịch vụ ngân hàng trên chiếc điện thoại di động”, ông nói.
Một trong những công nghệ đột phá gắn với CMCN 4.0 cho phép kết nối chia sẻ dữ
liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (open API) được một số ngân hàng Việt Nam nghiên
cứu, triển khai ứng dụng vào hoạt động thanh toán, nhận biết khách hàng điện tử, cung ứng
sản phẩm, dịch vụ tài chính sáng tạo
Thời gian qua, NHNN có nhiều giải pháp nhưng 2 giải pháp được đặt lên hàng đầu là xây dựng cơ sở pháp lý và hạ tầng để kết nối. Ông dẫn ví dụ, ông sống ở khu chung cư, ngày 7/12 ông nhận được một hóa đơn phải trả tiền dịch vụ. Với hóa đơn này, có 2 lựa chọn thanh toán. Một là, vào app căn hộ để thanh toán và cách trả tiền thứ 2 là thông báo qua email với nội dung chuyển tiền vào số tài khoản với nội dung ABC.
Với cách chuyển tiền thứ 2, Phó Thống đốc cho biết, người chuyển tiền có thể chuyển 10 lần hay 20 lần cho một hóa đơn. Thế nhưng, nếu có thiết kế Open API, Open Banking thì chúng ta có giao tiếp, kết nối, tức là người sử dụng dịch vụ chuyển tiền cho cái hóa đơn thì lập tức nhà cung cấp dịch vụ sẽ gạch hóa đơn đó. Chỉ có cách thức này chúng ta mới làm tự động hóa được.
Việc này nói lên câu chuyện, nếu chúng ta làm mà không có Open API, không có tích hợp thì mỗi làm người một nẻo, mỗi người làm một khúc. Hiện nay, 1 người dùng có thể phải cài rất nhiều ứng dụng khác nhau của ngân hàng và bên cung cấp dịch vụ. Còn nếu chúng ta có thiết kế Open API và Open Banking thì sẽ kết nối liên thông, giao dịch của khách hàng sẽ được thực hiện liền mạch. Tuy nhiên, để làm được điều đó, có rất nhiều việc phải làm.
“Thật ra, ngành ngân hàng đã manh nha triển khai Open API và Open Banking như VietinBank hay BIDV đã có Open API cho phép các cái đối tác của mình vào để kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu.. Vậy thì ở hội thảo này chúng ta sẽ xem xét là sau nhiều năm triển khai, có những điểm gì cần lưu ý?”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Tại hội thảo, Phó Thống đốc “đặt hàng” các chuyên gia, ngân hàng,… làm rõ nội hàm Open Banking, Open API. Hai là, Phó Thống đốc muốn nghe kinh nghiệm từ đối tác lớn của Nhật Bản trong phát triển Open Banking. Ba là, cần gì làm thay đổi hoàn thiện pháp lý.
“Cá nhân tôi trong Open Banking có nhiều thứ phải hình thành, thứ quan trọng là Open API chẳng hạn. Về mặt kỹ thuật, muốn cho chuyển đổi số phát triển được ngành ngân hàng phải kết nối với được tất cả các ngành kinh tế. Hệ thống thanh toán của ngành ngân hàng chúng ta tự hào có thể so sánh với tất cả các nước phát triển. Thế nhưng, tại sao một số cửa hàng lại không thể dùng được hệ thống thanh toán, tại sao 1 số ngành dịch vụ dùng hệ thống thanh toán rất tốt, một số ngành lại không làm được. Câu chuyện ở đây, để làm được không chỉ ngành ngân hàng mà các ngành khác đều phải phát triển API cho phép ngành ngân hàng kết nối, tích hợp”, Phó Thống đốc nhấn mạnh thêm.