Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho thấy, sau 10 năm phát triển, thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng 16-30%/năm, dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023.
Với 74% người dân sử dụng Internet, Việt Nam có khoảng 59-62 triệu người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và quốc gia có tỷ lệ người dân mua sắm TMĐT rất cao tại Khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên có còn những điều mà làm ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người tiêu dùng với TMĐT tại Việt Nam.
Bên cạnh sự phát triển tích cực của thương mại điện tử, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên các sàn thương mại điện tử, các trang mạng xã hội là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách.
Muôn hình vạn trạng hàng hóa trên sàn thương mại điện tử
Nói về xu hướng mua sắm online, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh (Chủ tịch tập đoàn Le Bros) chia sẻ với phóng viên Dân Việt: “Vấn nạn hàng giả, hàng nhái có trên hầu hết các nền tảng thương mại điện tử. Xu hướng bán hàng bằng livestream, bằng video với người bán chào hàng rốt ráo, nên nó rất nổi bật, dễ nhận thấy và dễ gây ảnh hưởng.
Xu hướng mua hàng online đang trở nên thông dụng, trong đó Tiktokshop là điển hình. Và cách bán hàng trên TikTok Shop nói riêng là xu hướng đang lên, bởi vì video ngắn đang bắt đúng tâm lý của người mua hàng. Được xem trực diện sản phẩm, được nghe chào hàng, giống y như tương tác trực tiếp, lại được bổ sung những trải nghiệm hết sức đơn giản và dễ dàng, nên người mua ít nhiều dễ bị thao túng tâm lý hơn các sàn thương mại điện tử khác. Người ta dễ chốt đơn hàng hơn là các chợ trực tuyến khác. Đây là kẽ hở để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được tiêu thụ dễ dàng”.
Trong khi đó, nói về nguyên nhân hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan trên các sàn thương mại điện tử dù đã có những điều khoản quy định nghiêm ngặt với người kinh doanh, luật sư Diệp Năng Bình chỉ rõ.
“Trong những năm gần đây mua sắm online đã trở thành xu hướng. Nắm bắt những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng, cập nhật và ứng dụng các công nghệ mới trong kinh doanh trực tuyến, nâng cao trải nghiệm, thu hút và giữ chân khách hàng. Tuy nhiên bên cạnh những tích cực hiệu quả mà nền tảng này mang lại thì vẫn tồn tại những phản hồi tiêu cực từ khách hàng khi đặt mua sản phẩm trên nền tảng này”.
Hàng giả có thể được hiểu theo nghĩa rộng hoặc nghĩa hẹp. Hàng giả theo nghĩa rộng là những hàng hoá được nêu tại quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ví dụ hàng giả là hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký.
Hàng giả theo nghĩa hẹp được hiểu là hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, bao bì) theo Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2019.
Còn hàng nhái là những sản phẩm được sản xuất ra không đúng quy định nhưng có hình dáng giống với những sản phẩm, hàng hóa được nhà nước cho phép sản xuất, nhập khẩu và tiêu thụ trên thị trường.
“Nguyên nhân của việc này có thể đến từ sự thiếu minh bạch và kiểm soát của các nền tảng đối với các nhà bán hàng trên nền tảng của mình. Riêng TikTok hiện chưa có cơ chế xác minh danh tính, uy tín và chất lượng sản phẩm của các nhà bán hàng, mà chỉ dựa vào các đánh giá và phản hồi của người mua thông qua bình luận.
Điều này dẫn đến việc nhiều nhà bán hàng có thể lợi dụng sự tin tưởng của khách hàng để bán hàng giả, hàng nhái với giá cao, hoặc sử dụng các thủ thuật để tăng lượt xem và lượt thích cho sản phẩm của mình”, ông Bình nhấn mạnh.
“Từ thực trạng này cho thấy cơ chế kiểm soát và giải quyết các khiếu nại về hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử hiện nay chưa thực sự hiệu quả”.
Giải pháp nào ngăn nạn hàng giả, hàng nhái trên sàn thương mại điện tử?
Tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên nền tảng mạng xã hội nếu không được ngăn chặn và xử lý kịp thời có thể gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng và uy tín của các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến.
Luật sư Diệp Năng Bình nói về loạt giải pháp nhằm ngăn nạn hàng giả, hàng nhái:
Thứ nhất, tăng cường giám sát và kiểm tra hoạt động của các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là các sàn có quy mô lớn và nhiều người tham gia. Các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm các vi phạm, như bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, gian lận thông tin sản phẩm, vi phạm bản quyền, sở hữu trí tuệ…
Thứ hai, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các bên liên quan, bao gồm các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến, các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, các nhà sản xuất và phân phối hàng hóa, và đặc biệt là người tiêu dùng. Các bên cần tuân thủ các quy định pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ và quyền lợi của mình, cũng như tôn trọng lợi ích hợp pháp của các bên khác. Người tiêu dùng cần có ý thức chọn mua hàng hóa chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng, tránh bị lừa đảo bởi các mánh khóe của các kẻ gian.
Thứ ba, phát triển và áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và an ninh thông tin cho hoạt động thương mại điện tử. Các tiêu chuẩn này cần đảm bảo tính minh bạch, công bằng và an toàn cho các giao dịch trực tuyến, bảo vệ thông tin cá nhân và thanh toán của người tiêu dùng, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền riêng tư và an ninh mạng.
Cuối cùng, cần tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh và hợp tác hiệu quả giữa các bên tham gia thương mại điện tử. Các doanh nghiệp cần tuân thủ nguyên tắc đạo đức kinh doanh, không sử dụng các biện pháp không công bằng để thu hút khách hàng hoặc loại bỏ đối thủ. Các bên cũng cần hỗ trợ nhau trong việc giải quyết các tranh chấp và khiếu nại phát sinh trong quá trình giao dịch.
Trong khi đó, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh đưa ra lời khuyên: “Đối với các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng, thương hiệu quen biết, cần kiểm tra chéo với các kênh chính thống của thương hiệu, với các đại lý chính thức của thương hiệu. Với các thương hiệu lạ, phải luôn có ý thức tìm hiểu kỹ về nó trước khi mua hàng. Chắc chắn, một thương hiệu đàng hoàng sẽ có nhiều kênh bán hàng, nên việc kiểm tra chéo hoàn toàn có thể thực hiện.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải mua hàng từ các “cửa hàng”, các cá nhân có uy tín. Xem kỹ các bình luận của người dùng, thẩm định tư cách từ cộng đồng, và tốt nhất đó phải là người mình quen sau một số lần thử giao dịch nhỏ”.
Chuyên gia công nghệ Dương Ngô Anh cũng cho rằng: “Người tiêu dùng tránh ham rẻ để mua hàng hóa kém chất lượng/hàng giả để rồi bị “tiền mất tật mang”. Và việc đầu tiên đứng từ phía người tiêu dùng là cần tự nâng cao kiến thức tự thẩm định kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa khi mua sắm tiêu dùng. Người tiêu dùng trước tiên hãy tự bảo vệ chính mình bằng kiến thức, và hãy chuyển dịch hành vi mua sắm thông qua các thương hiệu uy tín”.
“Đau đầu” chống thất thu thuế từ sàn thương mại điện tử
Doanh thu thương mại bán lẻ trực tuyến sẽ đạt mức 32 tỉ USD vào năm 2025. Vấn đề chống thất thu thuế trong thương mại điện tử (TMĐT) đang làm đau đầu các nhà quản lý.
Theo chuyên gia thuế Hồ Ngọc Tú – Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), việc thu thuế TMĐT còn nhiều khó khăn vì chủ hàng, DN không có địa chỉ kinh doanh cố định; người kinh doanh qua mạng xã hội, sàn giao dịch điện tử chưa tự giác đăng ký kinh doanh, kê khai nộp thuế…
Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số – Nguyễn Hữu Tuấn cho rằng: “Khó khăn lớn nhất trong quản lý thuế TMĐT là số người mua hàng trả bằng tiền mặt vẫn đáng kể. Vì vậy, khó xác định được việc kê khai nộp thuế của người bán”.
Luật sư Diệp Năng Bình lấy ví dụ: “Nếu một chiếc áo sơ mi chính hãng có giá 500.000 đồng và phải đóng thuế 10%, thì người bán phải nộp cho nhà nước 50.000 đồng. Nhưng nếu một chiếc áo sơ mi giả có giá 200.000 đồng và không đóng thuế hoặc đóng thuế 10% thì người bán chỉ nộp cho nhà nước 20.000 đồng hoặc không nộp gì cả. Như vậy, mỗi chiếc áo sơ mi giả sẽ làm nhà nước thiệt hại từ 30.000 đến 50.000 đồng.
Nếu tính trên quy mô lớn, số tiền này sẽ rất khổng lồ trong khi đó nếu có khoản tiền này nhà nước có thể xây dựng các công trình công cộng, nâng cao chất lượng đời sống của người dân”.
Hiện nay, các cá nhân, tổ chức bán hàng trên sàn TMĐT có sử dụng công cụ để làm tăng lượt giao dịch như một chiêu quảng cáo. Ngoài ra, người bán hàng cũng có dấu hiệu làm giảm doanh thu để giảm số thuế phải nộp. Cụ thể, chủ gian hàng tự đăng đơn ảo (tự đặt hàng, giao hàng cho mình và người thân) để tăng lượt tương tác nhằm cạnh tranh hút khách và nhận đánh giá gian hàng nhiều sao. Người bán hàng trên sàn thương mại điện tử thời gian đầu mới lập gian hàng thường dùng cách đặt đơn ảo, hạ giá sập sàn để cạnh tranh, lấy đánh giá được yêu thích nên doanh thu không phản ánh đúng thực tế kinh doanh, lợi nhuận thấp.
Tổng cục Thuế cũng đang nghiên cứu giải pháp xây dựng công cụ tự động thu thập dữ liệu của các đối tượng kinh doanh theo hình thức kinh doanh trực tuyến qua các kênh: website kinh doanh của đối tượng kinh doanh, sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok…
Về phía Bộ Tài chính, Bộ này đang phối hợp với các bộ, ngành kết nối, chia sẻ dữ liệu để kiểm soát các hoạt động thương mại điện tử…