Xu hướng mua sắm online ngày càng phát triển
Theo khảo sát và thống kê của sàn thương mại điện Lazada, có tới 57 triệu người Việt Nam tham gia mua sắm online trong năm 2022. Trong đó, người dân tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… chiếm phần lớn. Đặc biệt, thế hệ người tiêu dùng Gen Z (sinh năm 1995 đến năm 2012) chiếm 43% lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm online hàng ngày.
Ngoài ra, các số liệu nghiên cứu gần đây chỉ ra người Việt dành đến 6,38 giờ mỗi ngày để truy cập Internet và 58,2% trong đó dùng để mua hàng trực tuyến. Công ty Meta (đơn vị sở hữu Facebook, instagram) ghi nhận trong năm 2022, Việt Nam có thêm 4 triệu người tiêu dùng số có giao dịch mua hàng thông qua các kênh trực tuyến, đạt mức tăng trưởng 41% so với năm 2019.
Nắm bắt được xu hướng mua sắm online, các nền tảng thương mại trực tuyến cũng triển khai hàng loạt các chương trình ưu đãi, hỗ trợ khách hàng. Theo đó, Shopee, Lazada luôn có những chương trình bán hàng 0đ vào một ngày nhất định trong tháng như 11/11, 12/12, 1/1… Việc này đã khiến người dùng chi tiêu mạnh tay hơn trên các nền tảng này.
Ngoài ra, các nền tảng thương mại trực tuyến này còn luôn dành cho người dùng Voucher giảm giá, miễn phí vận chuyển nên thu hút lượng lớn người dùng mua sắm.
Đặc biệt, trong thời gian gần đây, TikTok Shop bùng nổ với những chương trình hỗ trợ giá cho cả người bán và người tiêu dùng. Nền tảng này ưu đãi lớn cho thương nhân với những phiên livestream bán hàng hỗ trợ giá giảm 50-100 nghìn đồng.
Không những vậy, các nhãn hàng còn thường tung ra những chương trình săn “deal” hời với mức giá 0đ cho những người nhanh tay mua hàng để kéo tương tác, thu hút người mua sắm trên TikTok Shop.
“Tôi thường hay mua quần áo, đồ dùng gia đình trên TikTok, Shopee vì giá rẻ, thậm chí săn được 0 đồng, miễn phí ship, chẳng cần đến Black Friday cũng đã giảm sâu mà không mất thời gian đi lại. Tuy nhiên, những món đồ cần bảo hành vẫn cần lựa chọn thông minh, tìm nơi uy tín”, chị Thu, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.
Bên cạnh những mặt tích cực như mặt hàng đa dạng, nhiều chương trình ưu đãi giá hấp dẫn, người dùng không mất thời gian đi lại… mua sắm online vẫn còn tồn tại mặt trái.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, khi mua sắm online, người dùng sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro.
“Nhiều trường hợp mua đồ trên mạng, đã thanh toán tiền, nhưng khi nhận hàng không như quảng cáo, sai mẫu, sai màu, không đạt chất lượng… là phổ biến. Ngay cả những sàn thương mại điện tử lớn được nhiều người sử dụng nhất hiện nay vẫn xuất hiện tình trạng hàng giả bán tràn lan. Việc quản lý thương mại trên mạng là rất khó khăn, còn là bài toán nan giải với cơ quan quản lý nhà nước. Mua bán online bên cạnh tạo ra xu hướng tiêu dùng mới được nhiều người ưa chuộng, song vẫn tồn tại mặt trái mà cụ thể ở đây là hàng giả, kém chất lượng bán công khai. Đồng thời, tình trạng trốn thuế khi bán hàng trực tuyến thực sự đáng lo ngại hiện nay”, ông Phú lo ngại.
Vì sao Black Friday ngày càng nhạt nhòa?
Theo ghi nhận của Dân Việt, trước ngày Black Friday (24/11), không khí mua sắm tại các gian hàng ở Trung tâm thương mại lớn như Vincom hay BigC Thăng Long (Hà Nội) đang khá ảm đạm, vắng vẻ khách tham quan.
Tại BigC Thăng Long, các mặt hàng đồ dùng gia đình, mẹ & bé hay các mặt hàng điện tử… đều ghi nhận lượng thưa thớt mặc dù các doanh nghiệp vẫn đang triển khai những chương trình ưu đãi lớn giảm từ 30-80%.
Việc các gian hàng tại Trung tâm thương mại vắng vẻ ngoài nguyên nhân khách quan đến từ xu hướng mua sắm online lên “ngôi” thì việc các doanh nghiệp chưa mang lại lợi ích thực sự cho khách hàng khi mua sắm Black Friday cũng là yếu tố khiến ngày này không còn hấp dẫn.
Có mặt tại một gian hàng thể thao, chị Phùng Thanh Huyền cho biết, trước ngày Black Friday đi tham khảo để mua hàng, nhưng thực tế không lựa chọn được mẫu nào.
“Tôi là người thích đồ thể thao nên thường xuyên cập nhật về Adidas, Lining. Black Friday năm nay thấy giảm sâu đến 30-80%, nhưng thực chất không giảm được nhiều, chủ yếu xả kho thu hồi vốn. Mẫu mã hợp lại không giảm nên tôi nghĩ Black Friday không săn được giá rẻ”, chị Huyền nói.
Thực tế, theo tìm hiểu hầu hết các mẫu hàng thời trang giảm giá sâu 80% là hàng tồn, thường có size quá cỡ phần ít người dùng có nhu cầu nên tồn lại đã được các doanh nghiệp xả hàng dịp Black Friday.
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), Black Friday sở dĩ ngày càng không hấp dẫn, bởi các doanh nghiệp chủ yếu xả hàng tồn, thu hồi vốn. Còn người dùng, không nhận được nhiều ưu đãi như mức quảng cáo giảm đến 80% mỗi dịp Black Friday.
“Black Friday là dịp các doanh nghiệp xả hàng tồn kho, thu hồi vốn, đây là cơ hội tốt nhất trong năm, không xả lúc này thì còn lúc nào”, ông Long khẳng định.
Như vậy, có thể thấy, trước thời điểm diễn ra Black Friday năm nay, các nhãn hàng đều giảm giá sâu, nhưng lượng khách quan tâm và mua hàng vẫn cho thấy sự vắng vẻ, đìu hiu đến lạ.
Black Friday đã không còn là ngày hội mua sắm giá hời mà trở thành ngày hội xả kho, thu hồi vốn. Và khi mua sắm online lên ngôi, thậm chí dần trở thành thói quen của phần lớn người dùng Việt, Black Friday trực tiếp đang ngày càng mất dần sự thu hút sau 10 năm du nhập vào Việt Nam.