Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn tỉnh Quảng Trị bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về tình hình kinh tế – xã hội năm 2024, và dự kiến các nhóm giải pháp đưa ra cho năm 2025.
Trong đó, cần ưu tiên thúc đẩy, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới.
Đề cập đến thực trạng nhân lực công chuyển sang khu vực tư, đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng phần lớn nhóm này là nhân lực chất lượng cao, cho thấy việc thu hút nhân tài trong khu vực công còn những khó khăn nhất định. Nguyên nhân chính là do mức lương không đủ để thuê, mua nhà ở các thành phố lớn.
“Điều này có thể ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, vì nhân sự của khu vực công là nhân sự làm chính sách”, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhìn nhận.
Theo đại biểu, tại kỳ họp này, vấn đề thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” đã được thảo luận rất nhiều. Quốc hội cũng đã và đang bàn về các đề xuất của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thể chế, trong đó có 5 luật về đầu tư, 7 luật về tài chính ngân sách.
Đại biểu cho rằng để tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế rất cần nguồn nhân lực, mà chính nhân lực cũng đang bị nghẽn. Nhiều năm qua, chúng ta đề cập nhiều về sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương, nhưng việc này phải làm từ xã huyện, vụ cục…
Hiện ngân sách đang dành 70% để trả lương chi thường xuyên. Đại biểu băn khoăn như vậy tinh giản biên chế đã thực sự đạt yêu cầu chưa.
“Ở nhiệm kỳ này, chúng ta đã nghe nhiều tranh luận kéo dài về việc chữa bệnh cán bộ công chức sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, nhưng kết quả xếp loại chất lượng công chức năm 2023 cho thấy chỉ có 6,57% công chức không hoàn thành nhiệm vụ, còn lại đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, đại biểu Hà Sỹ Đồng chỉ rõ và lo ngại như vậy đã đánh giá đúng tình hình hay chưa.
Về cải cách tiền lương, đại biểu nói không thể phủ nhận mức tăng lương cơ sở thêm 30% của năm nay, nhưng thực tế một cán bộ công chức mới được tuyển dụng dù xuất sắc đến đâu lương mới đủ tiền thuê nhà bình dân và chi tiêu hết sức tằn tiện, chưa nói đến các nhu cầu khác. Nhiều địa phương vì vậy, trong thời gian qua đã xin cơ chế riêng để thu hút nhân tài.
“Chúng ta cần nhìn nhận những khó khăn đang phải đối mặt để vượt lên và phát triển. Tuy nhiên, tôi chưa thấy có đề xuất nào để tháo gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực, mà khó khăn về nguồn nhân lực hiện nay là hết sức to lớn. Tôi đề nghị tạo đột phá ngay ở khâu này thì mới gỡ được những điểm nghẽn đang cản trở phát triển của đất nước”, đại biểu đoàn tỉnh Quảng Trị góp ý.
Tranh luận với đại biểu Hà Sỹ Đồng về nguồn nhân lực, đại biểu Vũ Trọng Kim, Đoàn tỉnh Nam Định đề nghị cần nhanh chóng nghiên cứu chính sách dân số trước thách thức già hóa dân số, có nguồn nhân lực tốt mới giữ được đà tăng trưởng từ 6%-7% cho những năm tới.
Đồng thời, cần chuẩn bị kỹ để làm chủ nền công nghiệp hiện đại, thu nhập cao sẽ đến trong tương lai gần.
Đại biểu Vũ Trọng Kim nhận thấy, Báo cáo số 205 của Chính phủ không nêu về vấn đề dân số và các chính sách liên quan. Bên cạnh đó, báo cáo cũng mới chỉ đề cập về tinh giản biên chế, bộ máy hành chính của cấp huyện và cấp xã.
Vì vậy, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng cần phải cách mạng hóa về biên chế, bộ máy cả ở Trung ương và địa phương. “Việc giảm được biên chế có 2 tác dụng, thứ nhất là giảm được người sách nhiễu, thứ hai là tăng được lương cho cán bộ mẫn cán, cán bộ chuyên nghiệp hơn và hiệu quả hơn”, đại biểu Vũ Trọng Kim nhấn mạnh.