LG Display mới đây đã hoàn tất việc chuyển nhượng nhà máy sản xuất mô-đun và màn hình LCD cỡ lớn tại Quảng Châu cho China Star Optoelectronics Technology (CSOT), công ty con của TCL. Thương vụ được chốt ở giá 2,2466 nghìn tỷ won (tương đương khoảng 1,54 tỷ USD), cao hơn hơn 200 tỷ won so với kỳ vọng ban đầu, theo Business Korea.
Thỏa thuận này chính thức đánh dấu việc LG Display rút lui hoàn toàn của khỏi mảng kinh doanh LCD, nhằm tập trung nguồn lực vào chiến lược mở rộng và phát triển công nghệ OLED.
Thực tế, LG Display và LCD đã sớm ký kết hợp đồng chuyển nhượng vào tháng 9 năm ngoái, tuy nhiên do ảnh hưởng từ một số yếu tố, trong đó có diễn biến của tỷ giá hối đoái. Từ thời điểm ký hợp đồng đến nay, tỷ giá đồng nhân dân tệ đã tăng từ 187,56 won lên 200,82 won, góp phần làm tăng giá trị thương vụ.
Tuy nhiên, phải đến đầu tháng này, quá trình chuyển nhượng mới thực sự hoàn tất, khi TCL đổi tên nhà máy Quảng Châu thành “T11” và bắt đầu vận hành toàn diện từ ngày 1/4. Số tiền mua lại sẽ được TCL thanh toán cho LG Display theo nhiều đợt trong suốt năm nay.
Khoản tài chính này sẽ giúp LG Display có thêm nguồn lực để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đẩy mạnh nghiên cứu – phát triển và chi trả chi phí vận hành, qua đó củng cố năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực OLED.
Trong khi bán nhà máy tại Trung Quốc, đầu năm nay, LG có động thái mở rộng đầu tư vào LG Display Vietnam Haiphong, tăng tổng vốn đầu tư từ 4,65 tỷ USD lên thành 5,65 tỷ USD (tăng 1 tỷ USD). Cơ sở này hiện chuyên sản xuất màn hình OLED cỡ nhỏ và vừa cho điện thoại, smartwatch, tablet và các thiết bị cầm tay khác, với công suất trung bình đạt 14 triệu sản phẩm/tháng.
Như vậy, sau thương vụ vừa rồi, LG hiện còn 3 nhà máy LG Display, trong đó có 2 nhà máy đặt tại Hàn Quốc và một nhà máy đặt tại Hải Phòng (Việt Nam). Sau 8 năm hoạt động liên tục mở rộng quy mô, LG hiện đang tạo việc làm cho hơn 22.000 lao động, xuất khẩu bình quân đạt 5,8 tỷ USD/năm, nộp ngân sách bình quân 1.000 tỷ đồng/năm.
Việc thoái vốn lần này của LG Display phản ánh xu hướng chung của ngành công nghiệp màn hình, khi nhiều doanh nghiệp đang dịch chuyển từ công nghệ LCD sang OLED.
Sau thương vụ này, triển vọng tài chính của công ty cũng trở nên tích cực hơn. Năm ngoái, LG Display ghi nhận khoản lỗ hoạt động 560,6 tỷ won, giảm mạnh so với mức lỗ hơn 2.510,2 tỷ won của năm trước đó. Với tín hiệu phục hồi rõ rệt, công ty dự báo sẽ có lãi trở lại trong năm nay, với lợi nhuận hoạt động ước đạt 652,3 tỷ won.
Trong nhiều năm qua, LG đã không ít lần rút khỏi một số mảng kinh doanh, do hoạt động không hiệu quả hoặc để tái cơ cấu chiến lược.
Vào đầu những năm 2010, LG Electronics từng là một trong những hãng điện thoại di động hàng đầu thế giới. Các dòng điện thoại nổi bật như Nexus, G-series và V-series từng đạt được thành công đáng kể. Tuy nhiên, sự thiếu đổi mới trong thiết kế và chiến lược marketing không đủ mạnh mẽ khiến LG không thể cạnh tranh nổi với Apple, Samsung và các hãng Trung Quốc như Huawei và Xiaomi. Đến năm 2021, LG đã phải tuyên bố rút lui khỏi mảng điện thoại di động. Lý do được cho là do thua lỗ kéo dài, không cạnh tranh được với các đối thủ lớn.
Hay giai đoạn năm 2014–2015, LG cũng từng đã ngừng sản xuất và rút lui khỏi mảng tấm nền Plasma khi nhận thấy công nghệ này không còn phù hợp với nhu cầu thị trường và không thể cạnh tranh với các công nghệ màn hình mới thời điểm đó như LCD hay OLED.
Trước đây, LG cũng tham gia vào sản xuất các linh kiện máy tính như RAM và ổ đĩa quang, thông qua liên doanh LG-Hitachi. Tuy nhiên, khi thị trường ổ đĩa quang và các linh kiện máy tính khác giảm sút, LG đã quyết định rút lui khỏi mảng này vào những năm 2000 để tập trung vào các sản phẩm có lợi nhuận cao hơn.