Trong cuộc Họp báo thường kỳ ngày 6/9, nhiều vấn đề “nóng” trong thời gian qua liên quan đến ngành đã được lãnh đạo Bộ thông tin, đặc biệt, vấn nạn SIM rác là chủ đề được nhiều người quan tâm.
Vì sao mua SIM rác dễ dàng
Thông tin tại cuộc Họp báo thường kỳ tháng 9, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông – Phạm Đức Long cho biết, Bộ vẫn đang phối hợp với những đơn vị liên quan để xử lý triệt để tình trạng SIM rác, giải quyết tối đa cuộc gọi, tin nhắn rác, lừa đảo.
Hiện nay, thông tin thuê bao đã được chuẩn hoá, nhưng không hoàn toàn chính chủ bởi các bên đăng ký vẫn có thể nhờ người đăng ký thông tin. Thông tin thuê bao chuẩn với cơ sở dữ liệu dân cứ quốc gia, nhưng chính chủ lại không sử dụng mà lại được các đại lý bán ra thị trường, trở thành SIM rác.
“SIM rác và cuộc gọi rác là 2 vấn đề riêng không thể đánh đồng, các nhà mạng và Bộ TT&TT đang xử lý nhưng SIM rác và cuộc gọi rác sẽ có những hướng khác nhau, không thể xử lý đồng thời cả 2. Hết SIM rác, nhưng vẫn sẽ còn cuộc gọi rác”, Thứ trưởng Long khẳng định.
Trên thị trường hiện nay, việc mua SIM rác vẫn dễ dàng dẫn đến hiện tượng cuộc gọi rác, tin nhắn rác vẫn thường xuyên làm phiền người dùng.
Thông tin đến báo chí, Thứ trưởng Long cho biết, 80% trong tổng số 1,5 triệu SIM của các nhà mạng phát hành ra thì đang được bán tại các đại lý, 10% phát hành từ các nhà mạng và 10% qua các chuỗi bán lẻ như FPT Shop, Thế giới di động…
Giải thích vì sao 80% SIM trên thị trường đại lý có thể bán được SIM rác, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, đại lý thuê người đăng ký. Do đó, SIM vẫn đầy đủ thông tin, đối soát cơ sở dữ liệu dân cư, có đầy đủ hình ảnh, Căn cước công dân… Mặc dù đứng tên, nhưng họ không dùng và đại lý bán những SIM đã chuẩn hoá thông tin đó cho khách hàng.
Đến thời điểm hiện tại, các nhà mạng đã loại bỏ 12,5 triệu SIM không chính chủ trên hệ thống của mình. Toàn bộ số SIM trên đã không chuẩn hoá thông tin theo thời hạn quy định.
Dừng các đại lý bán SIM rác từ 10/9/2023
Về giải pháp hạn chế SIM rác, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, đã làm việc với các nhà mạng để chấn chỉnh và các nhà mạng đều cam kết ngày 10/9/2023 sẽ dừng toàn bộ các đại lý bán SIM với hình thức trên. Các nhà mạng sẽ tập trung phát hành SIM tại các chuỗi, hệ thống có đủ nhân lực để làm. Không những vậy, các nhà mạng sẽ phát triển những kênh của chính doanh nghiệp mình.
Tóm lại, để ngăn chặn SIM rác, chỉ có cách phát triển thuê bao chặt chẽ. Ở khía cạnh cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT sẽ xử lý nghiêm theo Nghị định 14/2022, xử phạt nếu tiếp tục tình trạng trên sẽ đình chỉ phát triển thuê bao từ 3-12 tháng các nhà mạng tuỳ theo mức độ. Sau khi rà soát, chấn chỉnh lại, trên cơ sở có đủ thông tin, Bộ sẽ cùng nhà mạng triển khai, giảm sát chặt chẽ việc phát triển thuê bao.
Còn về việc kiểm soát cuộc gọi rác, tin nhắn rác, Thứ trưởng Long cho rằng việc kiểm soát khó khăn vì các đối tượng tinh vi, khó cho cơ quan quản lý trong kiểm soát. Trong khi đó, nhà mạng muốn ngăn trạng tình trạng tin nhắn, cuộc gọi rác sẽ phải đầu tư cơ sở hạ tầng mới triển khai được việc ngăn chặn.
Đến nay, các nhà mang đang triển khai tính năng Voice Brandname (cuộc gọi sẽ hiển thị thông tin tên) để khách hàng nhận biết.
Đối với tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo, các đối tượng chủ yếu dựa vào cơ quan công quyền, công an, toà án, viện kiểm sát, ngân hàng. Bộ sẽ làm việc với Bộ Công an để định danh các cuộc gọi đến từ các cơ quan công quyền.
Hiện nay, các nhà mạng đã cơ bản xong về mặt kỹ thuật và dự kiến triển khai cuộc gọi định danh trong tháng 9 và 10/2023.
Theo Thứ trưởng, tin nhắn rác có thể dùng thuật toán để ngăn chặn bởi chứa các ký tự quảng cáo. Tuy nhiên, cuộc gọi rác lại không thể nghe được để có phương án xử lý. Giải pháp để hạn chế cuộc gọi rác sẽ buộc các cuộc gọi của doanh nghiệp đến người dân cũng phải có Voice Brandname được đăng ký.
“Những doanh nghiệp gọi đến khách hàng không có Voice Brandnam mà lấy số điện thoại thường gọi thì sẽ bị xử phạt hành chính”, Thứ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ tại cuộc Họp báo.