Theo đó, trong hơn 20 dự án điện gió vừa được đơn vị EVN gửi cơ quan điều tra, Bộ Công an có tên nhiều doanh nghiệp lớn của địa phương, công ty con của nhiều ông lớn trong ngành năng lượng bị điểm tên.
Cụ thể, Nhà máy điện gió số 5 Thạnh Hải (Bến Tre) do Công ty CP Tân Hoàn Cầu Bến Tre làm chủ đầu tư. Dự án bao gồm 4 nhà máy Thạnh Hải 1, 2, 3, 4 với 28 tuabin có tổng công suất 120MW. Trong đó Nhà máy điện gió số 5 Thạnh Hải giai đoạn 1 công suất 30MW đã được vận hành hòa vào lưới điện quốc gia và Giai đoạn 2 có công suất 90MW.
Bản danh sách có tên Nhà máy điện gió Hướng Hiệp 1 (Quảng Trị) cũng do Công ty CP Tân Hoàn Cầu đầu tư với tổng công suất ban đầu hơn 30 MW, tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng tại huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị.
Dự án có 12 tua bin gió khởi công năm 2019 và tháng 5/2023, Nhà máy này được đua vào vận hành thương mại (COD) bán điện cho EVN.
Hai nhà máy điện gió Hướng Linh 1 và Nhà máy điện gió Hướng Linh 2 (Quảng Trị) do Công ty CP Tổng Công ty Tân Hoàn Cầu làm chủ đầu tư làm chủ đầu tư. Tháng 11/2023, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Quảng Trị phát hiện có đến 21 trụ tua bin gió của hai dự án điện gió Hướng Linh 1, Hướng Linh 2 được xây dựng ngoài đất được cấp.
Cả Nhà máy điện gió số 5 Thạnh Hải, Hướng Hiệp 1 và Hương Linh 1 và 2 đều đều do doanh nghiệp thuộc Tân Hoàn Cầu của ông Mai Văn Huế – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tổng Công y Tân Hoàn Cầu trụ sở tại Quảng Trị làm chủ đầu tư.
Ngoài ra còn có các nhà máy điện gió khác như Nhà máy điện gió Ea Nam (Đắk Lắk), nhà máy điện gió được xem là lớn nhất cả nước do Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 (thành viên của Trungnam Group) làm chủ đầu tư với diện tích 600 ha, tổng mức đầu tư trên 16.500 tỷ đồng, tổng công suất là 400 MW, sản lượng điện ước tính đạt 1,1 tỷ kWh/năm.
Cuối năm 2020, dự án được triển khai với quy mô 84 trụ gió, kết nối hệ thống 1,2 km đường dây 500 kV. Tháng 10/2021, toàn bộ 84 tua bin Nhà máy điện gió Ea Nam đã hòa lưới điện thành công.
Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 (Tiền Giang) có công suất 100MW, đây là dự án điện gió trên biển. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Năng lượng điện gió Tiền Giang, thuộc Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) đầu tư. Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 đã hoàn thành vào tháng 3/2023 và tháng 7/2023 đã đấu nối điện lưới quốc gia.
Nhà máy điện gió Ia Le 1 do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Điện gió Cao Nguyên 1 làm chủ đầu tư. Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án được tỉnh Gia Lai cấp tháng 8/2020, nhà máy điện gió Ia Le 1 có công suất thiết kế 100 MW, diện tích đất sử dụng 65ha. Vốn đầu tư dự kiến là gần 4.022 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ tháng 6/2020 đến tháng 11/2021 đưa vào vận hành thương mại.
Công ty Đầu tư Phát triển Điện gió Cao Nguyên 1 – chủ đầu tư dự án – do ông Nguyễn Ngọc Minh (sinh năm 1986) làm Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật. Dự án được hưởng các chế độ ưu đãi về tiền thuê đất, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Dự án Nhà máy điện gió Hưng Hải (Gia Lai) của CTCP Đầu tư và Phát triển Phong điện Gia Lai thuộc hệ sinh thái Hưng Hải Group liên doanh với BB Group.
Ngoài các dự án điện gió quy mô và sản lượng lớn, còn nhiều dự án điện gió nhỏ được EVN điểm tên gửi cơ quan điều tra theo yêu cầu như Nhà máy điện gió Viên An; Nhà máy điện gió Tài Tâm; Nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai; Nhà máy điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng …
Liên quan đến sai phạm của doanh nghiệp điện gió, sai phạm của các địa phương tại báo cáo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật trong quản lý, thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các công trình điện theo Quy hoạch điện VII và Quy hoạch điện VII điều chỉnh của Thanh tra Chính phủ công bố năm 2023, Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm về phát triển nguồn điện, nhất là điện gió, điện mặt trời ở các địa phương như Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Cơ quan này cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an tiếp nhận hồ sơ, tài liệu vụ việc để xem xét, điều tra, xử lý.
Về trách nhiệm của Bộ Công Thương, Thanh tra Chính phủ xác định các nội dung cần điều tra, xử lý vi phạm gồm việc Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung và tham mưu Thủ tướng phê duyệt bổ sung 154 dự án điện mặt trời với tổng công suất lên đến 13.837 MW không có căn cứ, cơ sở pháp lý về quy hoạch.
Trong số này đã phê duyệt 123 dự án với tổng công suất 8.496 MW có tiến độ vận hành trong giai đoạn 2016-2020.
Theo Thanh tra Chính phủ, đây là nguyên nhân chính dẫn đến mất cân đối giữa nguồn và lưới điện, mất cân đối về cơ cấu nguồn điện, vùng miền gây khó khăn cho công tác quản lý vận hành hệ thống điện, gây lãng phí nguồn lực xã hội… Bộ Công Thương còn ban hành hướng dẫn và tham mưu ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà có những sở hở, khuyết điểm, vi phạm dẫn đến nhiều hệ thống, cụm hệ thống điện mặt trời mái nhà đã đầu tư xây dựng nhanh với công suất xấp xỉ 1MW trên đất nông, lâm nghiệp với diện tích lớn dưới mô hình trang trại nuôi trồng.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc này không chỉ vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất mà còn giúp nhà đầu tư được hưởng cơ chế ưu đãi của hệ thống điện mặt trời mái nhà với giá FIT 20cent/kWh trong vòng 20 năm.