Ông Joo nhận định trước đây khi nhắc đến công nghệ, người ta thường nghĩ đến Mỹ hay châu Âu. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của AI, cục diện đang thay đổi nhanh chóng.
“AI mở ra cơ hội công bằng hơn cho tất cả các quốc gia. Việt Nam và Hàn Quốc hoàn toàn có thể bắt kịp, thậm chí vượt qua nhiều nước nếu có chiến lược phù hợp. Công nghệ đang ở vị trí trung tâm của mọi sự chuyển đổi. Mỗi quốc gia cần xác định rõ con đường phát triển của mình, hoặc chỉ đơn thuần ứng dụng, tiếp nhận công nghệ, hay chủ động sáng tạo, đổi mới sản phẩm mang bản sắc riêng”, cựu Bộ trưởng Hàn Quốc nhấn mạnh.
Do đó, để tận dụng làn sóng cơ hội từ AI, ông Joo cho rằng hai nước Việt Nam và Hàn Quốc có thể mở rộng hợp tác theo chiều sâu trong các lĩnh vực then chốt như bán dẫn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo chuyên gia AI, cũng như phối hợp xây dựng khung thể chế phù hợp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững.
HỢP TÁC TRÊN BA TRỤ CỘT: NGHIÊN CỨU, ĐÀO TẠO VÀ THƯƠNG MẠI HÓA SẢN PHẨM
Về phía Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho biết ngay từ năm 2020, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời tích cực triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Hiện Việt Nam đang khẩn trương xây dựng và chuẩn bị công bố danh mục các công nghệ và sản phẩm công nghệ chiến lược, nhằm định hướng phát triển các ngành công nghệ mũi nhọn trong tương lai.

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã và đang ban hành nhiều chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số sẽ đóng góp 30% GDP quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Việt Nam dự kiến dành tới 2% GDP cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là trong lĩnh vực AI.
Ông Nguyễn Quân bày tỏ hy vọng rằng thông qua các chương trình hợp tác quốc tế, đặc biệt là với Hàn Quốc – một quốc gia có nền công nghệ phát triển vượt bậc và có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về lịch sử, văn hóa, hai bên sẽ cùng nhau thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số và phát triển công nghệ tiên tiến.
“Việt Nam và Hàn Quốc đều từng phải tái thiết đất nước sau chiến tranh. Chính vì vậy, chúng ta càng thấu hiểu tầm quan trọng của việc ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là AI, trong công cuộc phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tôi cho rằng hai bên cần xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững dựa trên ba trụ cột: nghiên cứu, đào tạo và thương mại hóa sản phẩm”, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh.
ĐỀ XUẤT HÀN QUỐC CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ CHO DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
Năm 2012, trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, lãnh đạo Việt Nam từng đề xuất với Hàn Quốc hỗ trợ xây dựng một viện nghiên cứu công nghệ theo mô hình thành công của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST). Đề xuất này sau đó đã được Chính phủ Hàn Quốc tiếp nhận và tài trợ ODA không hoàn lại để thành lập Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST).
Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá VKIST đến nay đã trở thành một trong những viện nghiên cứu khoa học công nghệ hàng đầu tại Việt Nam, hướng tới vai trò tương tự như KIST tại Hàn Quốc, góp phần thúc đẩy phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo quốc gia.
Bên cạnh đó, ông Quân đề xuất các tập đoàn công nghệ lớn của Hàn Quốc, những doanh nghiệp đã có sự hiện diện mạnh mẽ tại Việt Nam như LG, Samsung… thời gian tới sẽ chuyển giao công nghệ, mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp trong nước. Qua đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật và chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đánh giá cao hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mà Hàn Quốc đã xây dựng, với mô hình hỗ trợ hiệu quả cho nghiên cứu, khởi nghiệp và thương mại hóa công nghệ; đồng thời, ông cũng bày tỏ kỳ vọng vào hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong phát triển công nghệ AI.
Ông Phạm Hồng Quất đề xuất các trường đại học và viện nghiên cứu của Hàn Quốc và Việt Nam có thể phát triển các tổ hợp nghiên cứu và đổi mới sáng tạo chung – nơi có thể kết nối nguồn lực khoa học, công nghệ và tài năng trẻ hai nước.
Bên cạnh đó, Cục trưởng cũng thông tin Việt Nam dự kiến tập trung phát triển hạ tầng dữ liệu dùng chung, các trung tâm dữ liệu, siêu máy chủ và điện toán đám mây quy mô lớn,… nhằm tạo nền tảng cho các nhóm nghiên cứu trẻ, các trường đại học phát triển các mô hình AI tạo sinh (generative AI).
Diễn ra ngày 17/4/2025 tại Hà Nội, diễn đàn CICON VIETNAM 2025 với chủ đề “AI Era – Smart City – Web 3.0 – Convergence & Green Innovation”, quy tụ hàng trăm lãnh đạo cấp cao, doanh nhân, nhà sáng tạo và nhà đầu tư từ Việt Nam và Hàn Quốc.
Hội nghị không chỉ là diễn đàn đối thoại cấp cao, mà còn là nền tảng kết nối hợp tác cụ thể giữa các bên trong nhiều lĩnh vực chiến lược: từ công nghệ, đầu tư, công nghiệp hội tụ, cho đến năng lượng xanh và văn hóa sáng tạo.