Như Dân Việt đã thông tin, TikTok Shop đang là sàn thương mại điện tử có thị phần số 2 Việt Nam với tốc độ phát triển nhanh chóng chỉ sau hơn 1 năm ra mắt. Tuy nhiên, TikTok Shop vẫn khiến người mua/bán gặp không ít bức xúc với cách vận hành và mặt hàng trên sàn thương mại điện tử “tân binh” này.
Ma trận TikTok Shop, thật – giả lẫn lộn
Chỉ cần truy cập vào ứng dụng TikTok, hàng loạt những phiên livestream bán hàng “xuyên ngày đêm” của đủ các mặt hàng từ thời trang, điện tử, gia dụng… Các gian hàng trên TikTok Shop luôn “thao túng tâm lý” người mua bằng việc chỉ có duy nhất trên livestream mới có mức giá rẻ, sốc, 0đ… thu hút khách hàng.
Dù quảng cáo là những thương hiệu thời trang lớn như Lacoste, Burberry, Louis Vuitton… tuy nhiên, giá bán trên các phiên livestream của những chiếc quần áo của các nhà buôn đều chỉ vài trăm nghìn đồng. Thậm chí, có chiếc áo nhái thương hiệu chỉ vài chục nghìn đồng khiến người dùng như lạc vào ma trận, không phân biệt được thật giả.
Để tránh bị “nhòm ngó”, các gian hàng trên TikTok Shop còn viết không đúng chính tả như thương hiệu nổi tiếng.
“Tôi thấy quảng cáo là toàn hàng chính hãng, bảo hành 2-3 năm. Áo da lấy khoá kẻ vào mà không thấy xước, nhưng lại bán có 200 nghìn. Mỗi phiên livestream lại có vài suất chỉ bán với giá 50-80 nghìn đồng nên không biết đây là thật hay giả”, chị Thu Thảo, Hà Nội nói.
Thật – giản lẫn lộn trên TikTok Shop. Ảnh Khải Phạm.
Theo tìm hiểu, thực tế vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan trên TikTok Shop đã không còn xa lạ, nó xuất hiện ngay từ khi sàn thương mại này ra đời vào năm ngoái. Các sản phẩm thời trang, giày dép được các gian hàng thường xuyên bán trên TikTok Shop đều không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Khi mua, người dùng không thể truy xuất nguồn gốc để có thể bảo hành khi gặp sản phẩm lỗi, hư hỏng do nhà sản xuất.
Không chỉ livestream, các nhà bán lẻ còn công khai chạy quảng cáo và để tránh bị quét, chặn, họ đã che logo của các thương hiệu bị nhái. Điều này càng khiến các gian hàng mọc lên nhiều hơn, mỗi ngày có hàng trăm nghìn sản phẩm giả, nhái các thương hiệu nổi tiếng đến tay người dùng.
Đặc biệt, thời điểm cuối năm là dịp người dân mua sắm lớn nhất để phục vụ Tết nên tình trạng công khai bán hàng giả ngày càng khó kiểm soát. Trong khi đó, người dùng luôn lạc vào ma trận không phân biệt được thật – giả mỗi khi lướt TikTok Shop.
Cần phải kiểm soát TikTok Shop chặt chẽ hơn
Trước sự phát triển “nóng” của TikTok Shop, Bộ TT&TT, đơn vị quản lý nền tảng mạng xã hội kiêm sàn thương mại điện tử này đã nhiều lần cảnh báo, chỉ ra những vi phạm của TikTok tại Việt Nam.
Theo ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng PTTH và TTĐT (Bộ TT&TT), TikTok Việt Nam đã không có biện pháp kiểm soát hiệu quả để ngăn chặn hoạt động kinh doanh, buôn bán, quảng cáo hàng giả, hàng nhái, các loại thuốc kích dục, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc,…
Cũng theo đại diện Bộ TT&TT, vi phạm của nền tảng Tiktok tạo ra rạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Đặc biệt, việc quản lý lỏng lẻo của nền tảng Tiktok còn khuyến khích, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh bất hợp pháp và nội dung vi phạm bản quyền tràn lan trên nền tảng này.
Để ngăn chặn việc gia tăng bán hàng giả, không có nguồn gốc xuất xứ, xử lý sai phạm của TikTok, Bộ TT&TT đã lập đoàn kiểm tra liên ngành.
Kết quả kiểm tra cho thấy, nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới này chưa công bố thông tin về chủ sở hữu ứng dụng trên trang chủ TikTok Shop theo quy định. Trên TikTok Shop chưa lưu trữ đầy đủ thông tin người bán khi đăng ký sử dụng dịch vụ và chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin về hàng hóa của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo các quy định hiện hành.
Với những sai phạm trên, đoàn kiểm tra liên ngành đã đề nghị Bộ Công Thương có biện pháp xử lý, ngăn chặn và buộc TikTok khắc phục những sai phạm trên trong việc cung cấp dịch vụ sàn thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.
Đồng thời, TikTok Shop phải có biện pháp nhằm ngăn chặn, xoá bỏ các sản phẩm trong danh mục cấm kinh doanh khỏi ứng dụng. Bộ TT&TT cũng yêu cầu, với các cá nhân, tổ chức, thương nhân có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật, TikTok cần cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn/vĩnh viễn tuỳ từng mức độ vi phạm.
Về vấn nạn hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên nền tảng TikTok Shop hiện nay, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, ngoài những mặt tích cực khi nền tảng này đang phát triển mạnh thì thương mại điện tử nói chung và TikTok nói riêng đang đối mặt với nhiều hệ lụy khi tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp.
Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý để quản lý hiệu quả. Không chỉ vậy, việc thay đổi chính sách về mức phí thanh toán giúp số lượng gian hàng mới đăng ký trên nền tảng cũng như doanh thu của TikTok ngày một tăng lên. Tuy nhiên, mặt trái của tình trạng trên chính là việc TikTok đang dần trở thành “tụ điểm” mới của hàng giả, nhái, không rõ nguồn gốc vi phạm pháp luật.
“Kể từ khi ra mắt, TikTok Shop đã nghiêm cấm các nhà bán hàng bán các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, nhái, không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, vì lợi ích mà các gian thương đã tìm cách “lách” chính sách quản lý của nền tảng. Vì vậy, nếu buông lỏng quản lý, không tăng cường giám sát các chủ hàng và sản phẩm, TikTok sẽ trở thành nơi tập trung của nhiều loại hàng hóa kém chất lượng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng Việt” – ông Trần Hữu Linh nhận định.
Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã có những biện pháp mạnh tay để chấn chỉnh TikTok Shop, nhưng có thể thấy tình trạng hàng giả nhái, không rõ nguồn gốc vẫn tràn lan. Trong khi chờ các cơ quan chức năng “dẹp loạn” vấn nạn này trên TikTok Shop, người dân hãy nâng cao cảnh giác, đừng vì rẻ mà mua hàng kém chất lượng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ.