Tại Việt Nam, CMC hiện đang vận hành ba trung tâm dữ liệu tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM. Tập đoàn dự kiến tăng công suất điện của hệ thống từ mức 10 MW hiện nay lên tối đa 100 MW vào năm 2028. Bên cạnh đó, CMC cũng đang vận hành các trung tâm dữ liệu tại một số quốc gia Đông Nam Á và lên kế hoạch mở rộng sang các thị trường chiến lược khác trong những năm tới.
Năm 2023, doanh thu của CMC đạt 319 triệu USD, với lợi nhuận EBITDA đạt 38 triệu USD. Trong kế hoạch 5 năm (2024-2028), CMC đặt mục tiêu nâng doanh thu lên mức 1 tỷ USD và tăng số lượng nhân sự từ hơn 5.000 hiện tại lên trên 10.000 người.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp diễn, CMC đang hướng tới khai thác nhu cầu về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tăng từ các doanh nghiệp Nhật Bản. Theo đó, CMC sẽ dành ngân sách tối đa 100 triệu USD để mở rộng sự hiện diện tại thị trường này, với dự định sẽ xây dựng các trung tâm dữ liệu quy mô nhỏ.
“CMC đang hướng tới khai thác nhu cầu về công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng tăng từ các doanh nghiệp Nhật Bản.
CMC đang cân nhắc giữa việc xây dựng cơ sở riêng hoặc thuê cơ sở có sẵn. Nếu xây dựng cơ sở riêng, khoản đầu tư sẽ dao động ở mức 100 triệu USD, trong khi lựa chọn thuê cơ sở sẽ tiết kiệm hơn với chi phí khoảng 50 triệu USD”.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn CMC, cho biết về kế hoạch mở rộng tại Nhật Bản, CMC đang cân nhắc giữa việc xây dựng cơ sở riêng hoặc thuê cơ sở có sẵn. Nếu xây dựng cơ sở riêng, khoản đầu tư sẽ dao động ở mức 100 triệu USD, trong khi lựa chọn thuê cơ sở sẽ tiết kiệm hơn với chi phí khoảng 50 triệu USD.
Căng thẳng Mỹ – Trung đã khiến nhiều doanh nghiệp công nghệ Nhật Bản phải thực hiện chiến lược giảm phụ thuộc vào Trung Quốc, với kế hoạch chuyển 20.000 nhân sự trong tổng số 50.000 nhân sự hiện có ra khỏi quốc gia này. Trước bối cảnh này, ông Chính nhận định: “Đây là cơ hội lớn cho CMC. Nếu có thể tiếp nhận 10-20% trong số này, chúng tôi sẽ đạt được bước tiến đáng kể trong chiến lược mở rộng quy mô nhân sự quốc tế”.
Gần đây, CMC khai trương văn phòng thứ ba tại Nhật Bản, nơi hiện có khoảng 100 kỹ sư đang làm việc. Công ty đặt mục tiêu tăng đội ngũ lên 5.000 người, trong đó 1.000 kỹ sư sẽ làm việc trực tiếp tại Nhật Bản vào năm 2028.
Thị trường Nhật Bản, với nhu cầu mạnh mẽ về trung tâm dữ liệu và phát triển phần mềm AI, được tập đoàn Việt Nam xem là một trong những trụ cột tăng trưởng quan trọng. Ông Chính nhấn mạnh: “Nhật Bản là thị trường chiến lược trong kế hoạch mở rộng toàn cầu của chúng tôi. CMC đặt mục tiêu đạt doanh thu 200-250 triệu USD từ thị trường này, chiếm khoảng một nửa tổng doanh thu quốc tế vào năm 2028”.
Tờ Nikkei nhận định Việt Nam, với vị thế trung lập trong các vấn đề ngoại giao, đang ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các khoản đầu tư từ các tập đoàn toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh làn sóng dịch chuyển cơ sở sản xuất và nhân lực khỏi Trung Quốc. “Trong xu thế đó, CMC đang nỗ lực bám đuổi tập đoàn FPT để mở rộng thị phần và khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế”, theo Nikkei.
Bên cạnh Nhật Bản, CMC có dự định mở rộng cả thị trường sang Mỹ và châu Âu, trong đó có Đức và Anh. Song song với việc phát triển trung tâm dữ liệu, CMC cũng tập trung đầu tư vào các giải pháp điện toán đám mây và an ninh mạng nhằm nâng cao năng lực hạ tầng số toàn diện.
Thành lập từ năm 1993, CMC đã ghi dấu ấn với sự tăng trưởng mạnh mẽ nhờ nhiều dự án phát triển phần mềm thành công với các doanh nghiệp Nhật Bản. Năm 2010, tập đoàn chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán. Kể từ năm 2019, CMC tăng cường hợp tác với Samsung SDS, cổ đông lớn nhất, và gần đây đã mở văn phòng mới tại Seoul để thúc đẩy tuyển dụng cả từ Việt Nam và tại Hàn Quốc.