Trên mạng xã hội hiện nay đang có rất nhiều trào lưu được giới trẻ cực kỳ yêu thích. Đặc biệt, những ứng dụng biến đổi hình ảnh nhanh chóng gây “bão mạng” khi người dùng chỉ cần tải ảnh, công việc còn lại là của AI. Tuy nhiên, các ứng dụng này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu không cân nhắc kỹ, người dùng hoàn toàn có thể bị lộ nhiều thông tin.
Ứng dụng chỉnh ảnh gây “bão mạng” có gì?
Khoảng 2 tuần trở lại đây, một ứng dụng chỉnh ảnh AI có sẵn trên App Store, Google Play có tên Loopsie đang khiến cộng đồng mạng xã hội Facebook, Instagram… khi giới trẻ liên tục khoe những bước ảnh được chỉnh sửa thông qua phần mềm này.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, nhờ lượt tải lớn nên ứng dụng Loopsie này đã vươn lên Top 1 bảng xếp hạng về chỉnh ảnh và video trong kho ứng dụng Apple Store. Đồng thời, ứng dụng nhận được đánh giá 4,8 sao, một đánh giá khá cao cho thấy sự ủng hộ của bộ phận lớn người dụng.
Ứng dụng chỉnh ảnh AI Loopsie theo phong cách anime (hoạt họa Nhật Bản) này đã có mặt trên kho ứng dụng của các hệ điều hành iOS và Android từ năm 2018, nhưng đến nay mới thực sự “dậy sóng”. Loopsie hoạt động giống phần lớn ứng dụng hiện nay, người dùng chỉ cần đưa ảnh chụp vào, sau đó ứng dụng nhận dạng và tái hiện thành tranh vẽ theo các phong cách khác nhau. Ứng dụng này có bộ lọc Old School Anime, hỗ trợ tạo ảnh anime, gây sốt trên mạng xã hội.
Quy trình hoạt động của Loopsie cũng tương tự nhiều phần mềm khác khi yêu cầu quyền truy cập vào kho ảnh của người dùng, camera điện thoại và một số quyền khác như thông tin email, truy cập internet…
“Thỉnh thoảng đổi phong cách ảnh cũng thú vị, và giờ thành trào lưu trên mạng khi ai cũng up ảnh hoạt hình. Không giống ảnh gốc nên nhìn thành phiên bản thứ 2 của mình là điểm hay mà không phải ứng dụng nào cũng làm được”, anh Hoàng Mạnh Tiến, Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ.
Khi được hỏi về các quy định mà ứng dụng bắt người dùng chấp nhận khi sử dụng, hầu hết không ai đọc và ấn cho qua nhanh để vào bên trong.
Chuyên gia cảnh báo nguy cơ rủi ro từ ứng dụng chỉnh ảnh AI
Chia sẻ với Dân Việt, ông Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), chuyên gia kỹ thuật tại Trung tâm Giám sát và An toàn không gian mạng Quốc gia, Bộ TT&TT cho biết, hiện nay có một số ứng dụng có thể thu thập dữ liệu cá nhân.
Sau khi thu thập, các ứng dụng sử dụng nó cho các mục đích không mong muốn, bao gồm việc bán dữ liệu cho bên thứ ba. Nếu ứng dụng không được tải xuống từ nguồn đáng tin cậy thì có sẽ bị nhiễm mã độc hoặc bị đánh cắp thông tin, chưa kể nếu nhà phát triển phần mềm không kiểm thử bảo mật cho ứng dụng, thì hacker có thể đánh cắp dữ liệu và thông tin hình ảnh của người dùng.
“Khi bạn sử dụng ảnh của mình trong các ứng dụng này, đôi khi bạn có thể không rõ ràng về việc ai sẽ sở hữu quyền đối với hình ảnh đã được chỉnh sửa. Một số ứng dụng có thể yêu cầu phí hoặc có các chi phí ẩn mà bạn không nhận biết ngay lập tức. Ảnh hoạt hình có thể được sử dụng sai mục đích, chẳng hạn như tạo các tài khoản giả mạo trực tuyến, trêu đùa, hoặc bôi nhọ danh dự”, ông Hiếu nói.
Trong nhiều trường hợp, việc quyết định sử dụng ứng dụng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau gồm: độ tin cậy của ứng dụng, mục đích sử dụng, và mức độ quan tâm đối với quyền riêng tư và bảo mật.
Nếu ứng dụng có đánh giá tốt và đến từ một nhà phát triển uy tín, nguy cơ liên quan đến bảo mật và quyền riêng tư có thể thấp hơn.
Ông Hiếu PC đưa ra lời khuyên khi người dùng sử dụng ứng dụng để tránh việc bị đánh cắp dữ liệu hay các sự việc không mong muốn khác.
“Người dùng nên đọc kỹ chính sách bảo mật của ứng dụng để hiểu cách dữ liệu của bạn được sử dụng và bảo quản. Nếu bạn chỉ sử dụng ứng dụng cho mục đích cá nhân và không chia sẻ thông tin đến người khác, nguy cơ có thể thấp hơn so với việc sử dụng ảnh cho các mục đích công cộng.
Hãy xem xét việc sử dụng các cài đặt bảo mật và quyền riêng tư có sẵn (nếu có) để kiểm soát cách dữ liệu của bạn được sử dụng.
Nếu bạn có những lo ngại đặc biệt về quyền riêng tư hoặc bảo mật, có thể bạn sẽ muốn cân nhắc việc sử dụng các ứng dụng khác có uy tín cao hơn hoặc không sử dụng loại ứng dụng này”.
Cũng theo công an các tỉnh, việc ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh bằng AI đang sử dụng hình ảnh cá nhân người dùng sẽ được tải lên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ nên sẽ có nguy cơ lộ dữ liệu và nếu kho ảnh rơi vào tay kẻ xấu, chúng có thể cho AI học, dùng deepfake để tạo ra ảnh và video giả mạo cho các mục đích khác nhau, thậm chí lừa đảo.
Chính vì thế, trước khi sử dụng bất cứ ứng dụng nào, người dùng cần đọc kỹ các quy định, điều khoản cho phép truy cập vào dữ liệu cá nhân của mình để tránh những trường hợp bị mất dữ liệu phục vụ các đối tượng xấu lừa đảo.