Nhà máy điện gió Cửu An (thị xã An Khê) là 1 trong 4 dự án trên địa bàn trọng điểm về phát triển năng lượng tái tạo – tỉnh Gia Lai phải cung cấp hồ sơ cho Cơ quan An ninh Điều tra, Bộ Công an.
Nhằm phục vụ điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bộ Công thương và các tỉnh, thành phố, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin, tài liệu về 32 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời tại nhiều địa phương…
Các dự án điện gió, điện mặt trời trong diện phải cung cấp hồ sơ cho Cơ quan An ninh Điều tra thuộc nhiều địa phương, nhưng tập trung nhiều ở khu vực miền Trung, Tây nguyên và miền Tây Nam bộ.
Trong đó, tỉnh Gia Lai đã có đến 4 dự án thuộc diện phải cung cấp hồ sơ cho Cơ quan An ninh Điều tra, gồm Nhà máy điện gió Hưng Hải ở huyện Kông Chro, Nhà máy điện gió Cửu An ở thị xã An Khê, Nhà máy điện gió Ia Le 1 ở huyện Chư Pưh và Nhà máy điện gió Ia Bang 1 ở huyện Chư Prông.
Theo Quyết định số 413/QĐ-UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện gió Cửu An, Nhà máy Điện gió Cửu An có công suất thiết kế 46,2 MW. Phương án đấu nối: xây dựng trạm 110kV Cửu An và tuyến đường dây 110 kV dây dẫn AC185 đấu nối chuyển tiếp nên đường dây 100kV An Khê – K Bang dài khoản 0,5km. Sản lượng điện dự kiến là 117.000 Mwh/năm vào lưới điện quốc gia.
Diện tích đất sử dụng dự kiến 12,479ha. Vốn đầu tư dự kiến là hơn 1.711,3 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp nhà đầu tư là 20%, tương ứng 342,2 tỷ đồng; vốn vay ngân hàng chiếm 80% tổng vốn đầu tư, tương ứng 1.369 tỷ đồng. Thời gian hoạt động dự án là 50 năm, kể từ ngày được cấp Quyết định chủ trương đầu tư.
Dự án nhà máy điện gió Cửu An được xây dựng với mục tiêu sản xuất và kinh doanh năng lượng tái tạo điện gió (dùng tuabin gió chuyển năng lượng gió thành năng lượng điện hòa lưới).
Tại dự án Điện gió Cửu An, CTCP Vận tải Đa phương thức Vietranstimex đã tham gia và hoàn thành gói thầu lắp đặt các trụ tháp gió của Dự án Nhà máy điện gió Cửu An.
Ai đứng sau Dự án điện gió Cửu An?
Theo Quyết định số 413/QĐ-UBND tỉnh Gia Lai về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy điện gió Cửu An, chủ đầu tư của dự án này là CTCP Điện Gió Cửu An (Mã số DN: 5901149621 do Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cấp lần đầu ngày 15/7/2020).
Tại thời điểm đó, người đại diện theo pháp luật của Công ty Điện gió Cửu An là ông Vương Đăng Vinh (SN 1967) – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc.
Dữ liệu tại Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Công ty Điện gió Cửu An được thành lập ngày 15/7/2020. Tại đăng ký thay đổi ngày 18/8/2020, Công ty Điện gió Cửu An có vốn điều lệ 368 tỷ đồng, trong đó ông Vương Đăng Vinh sở hữu 26% vốn và CTCP Đầu tư Xây dựng SD Việt Nam sở hữu 51% vốn. Đáng chú ý, ông Vinh cũng là người đại diện theo pháp luật của CTCP Đầu tư Xây dựng SD Việt Nam.
Tại thay đổi ngày 29/12/2022, bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (SN 1991) trở thành người đại diện theo pháp luật tại doanh nghiệp này, và là Tổng Giám đốc công ty.
Đáng chú ý, tại thay đổi ngày 19/4/2023, Công ty Điện gió Cửu An giảm vốn điều lệ về 655 tỷ đồng. Cổ đông lớn tại thời điểm này có sự xáo trộn khi xuất hiện cổ đông lớn nước ngoài là Công ty TNHH Năng lượng Tái Tạo JN Việt Nam sở hữu 99,997% vốn điều lệ, tương ứng 654,98 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Vương Đăng Vinh và Vương Đăng Vũ, mỗi người sở hữu 0,001% vốn điều lệ,
Đến ngày 6/3/2024, ông Liu DongSheng (SN 1966, Quốc tịch: Trung Quốc trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp này.