Ngày 17/7/2025, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Công điện số 111/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính, chuyển đổi số giai đoạn đầu vận hành mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Thông tin tại tọa đàm “Chuyển đổi số – Cầu nối “sống còn” giữa hai cấp chính quyền địa phương” ngày 24/7/2025, do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phối hợp với Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đức Long cho biết: Công điện 111 đã chỉ ra một số vấn đề, tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy còn nhiều vấn đề khác, cụ thể là 25 nhóm vấn cần phải giải quyết”.
TỪ NAY ĐẾN CUỐI NĂM CƠ BẢN HOÀN THIỆN HỆ THỐNG SỐ HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
Bộ Khoa học và Công nghệ đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và đưa vào nội dung sơ kết 6 tháng của Ban chỉ đạo của Chính phủ về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và Đề án 06 họp ngày 21/7 vừa qua.
Theo đó, Bộ đã nêu 25 nhóm vấn đề và chỉ rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, từng địa phương phải làm để thúc đẩy giải quyết các vấn đề này.

Khi triển khai các biểu mẫu điện tử, do thời gian nhanh, chúng ta triển khai chưa chuẩn chỉ thì cũng phải làm lại. Hay hiện nay, nhiều địa phương cơ sở vật chất chưa đáp ứng. Khi nhập nhiều xã lại thành một xã, cơ sở vật chất ở đó cũng không đáp ứng cho yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính.
Lực lượng cán bộ chuyển xuống xã triển khai giải quyết thủ tục hành chính thì năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng giải quyết thủ tục hành chính cũng chưa đủ; hoặc khi nhập tỉnh, dữ liệu của các xã, các địa phương kết nối cũng chưa đồng bộ, chưa liên thông.
Ngoài ra, ở các bộ, ngành đang tồn tại vấn đề như chữ ký số chưa cung cấp đầy đủ, vì vậy cán bộ công chức không thể thực hiện giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số.
Trong tuần này, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ họp, đánh giá lại 25 nhóm tồn tại đã nêu ra. Khi giải quyết 25 nhóm vấn đề này thì cơ bản sẽ giải quyết được việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trong giai đoạn trước mắt.
Về căn cơ, hiện nay Ban chỉ đạo Trung ương đã ban hành Kế hoạch 02 về thúc đẩy chuyển đổi số, liên thông, đồng bộ, nhanh, hiệu quả, đáp ứng sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Kế hoạch này đưa ra các nhóm nhiệm vụ đến cuối năm nay chúng ta phải giải quyết xong, bao gồm thể chế, hạ tầng công nghệ và hạ tầng số, các vấn đề về dữ liệu, các vấn đề về nền tảng và dịch vụ, về nhân lực số, về vấn đề đảm bảo tài chính cho chuyển đổi số.
Thứ trưởng thông tin, hiện nay Chính phủ đã dành sẵn nguồn lực và tài chính để thực hiện công cuộc chuyển đổi số này.
“Tôi nghĩ rằng, đến cuối năm, cơ bản chúng ta sẽ đảm bảo được việc liên thông đồng bộ và giải quyết hiệu quả việc chuyển đổi số để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Khi đó, người dân thực sự sẽ được hưởng lợi, được sử dụng các tiện ích của chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính”, Thứ trưởng nói.
NÊN ƯU TIÊN HOÀN THIỆN SỐ HÓA KHOẢNG 20 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH PHỔ BIẾN NHẤT
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), Hội Truyền thông số Việt Nam, để có hệ thống dữ liệu phục vụ cho giao dịch hành chính, ngoài yếu tố đầu tiên là chất lượng dữ liệu theo phương châm “đúng, đủ, sạch, sống và kết nối được” thì yếu tố thứ hai cần phải quan tâm nhiều hơn là tính toàn diện của hệ thống dữ liệu.

“Một trong những lý do khiến thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến vẫn chưa được suôn sẻ là do hệ thống chưa đảm bảo được toàn diện. Hệ thống dữ liệu 4 yếu tố: Dữ liệu chuyên môn, chuyên ngành thực hiện giao dịch (ví dụ dữ liệu về đất đai hay dữ liệu về dân cư); dữ liệu xác thực người dùng tham gia vào giao dịch; dữ liệu liên quan đến quy trình thủ tục; và cuối cùng là môi trường giao dịch chưa được xây dựng đồng bộ và toàn diện dẫn đến còn trục trặc, khiến người dân chưa thể làm thủ tục hành chính một cách mượt mà”, ông Đồng chỉ ra.
Tuy vậy, áp lực triển khai chuyển đổi của Việt Nam trong những năm vừa qua rất lớn. Chúng ta làm đồng bộ hơn 2.000 thủ tục hành chính, trong khi thực chất thủ tục hành chính phát sinh giao dịch trực tuyến khoảng dưới 100 thủ tục và khoảng 20 thủ tục phát sinh số lượng hồ sơ lớn nhất. Do đó, ông Đồng khuyến nghị nên ưu tiên xây dựng dữ liệu phục vụ cho khoảng 20 thủ tục hành chính như vậy và chúng ta nên đi theo lộ trình chứ không nên dàn trải, vừa gây áp lực, vừa chưa hiệu quả.
PHÂN TẦNG DỮ LIỆU THEO MỨC ĐỘ NHẠY CẢM ĐỂ VỪA QUẢN LÝ VỪA PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ
Dữ liệu lớn có vai trò như mạch máu nuôi sống toàn bộ hệ thống vận hành của các cơ quan, tổ chức, đồng thời cũng là nguồn tài sản, các vấn đề liên quan đến an toàn dữ liệu trong bối cảnh hiện nay càng phải đặc biệt được chú trọng nhiều hơn.
Trong giai đoạn gần đây, các vụ tấn công đánh cắp dữ liệu đã diễn ra thường xuyên hơn, đặc biệt trong các lĩnh vực có giá trị kinh tế như ngân hàng, tài chính… có nhiều vụ việc đánh cắp dữ liệu và yêu cầu tiền chuộc. Điều đó đặt ra yêu cầu an toàn về mặt dữ liệu phải được đưa vào như là cấu phần bắt buộc trong mọi chính sách xây dựng dữ liệu.
Chuyên gia khuyến nghị chính sách dữ liệu cần tiếp cận toàn diện, bảo đảm quyền riêng tư và khai thác hiệu quả.
Một trong những yêu cầu quan trọng là sớm ban hành các chính sách phân loại và phân tầng dữ liệu theo mức độ bảo mật và nhạy cảm. Đây là khái niệm còn khá mới trong khu vực hành chính công, nhưng là điều kiện tiên quyết để bảo vệ quyền riêng tư, đảm bảo an toàn cho người dân và đồng thời mở đường cho việc khai thác dữ liệu một cách có trách nhiệm.
Trong bối cảnh mỗi người dân có ít nhất 11 trường thông tin cơ bản được lưu trữ trong các hệ thống dữ liệu quốc gia, cộng với thông tin về giao dịch, di chuyển, hành chính,… việc phân loại dữ liệu sẽ giúp Nhà nước quản lý hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện đưa một phần dữ liệu ra giao dịch hợp pháp như một loại tài sản số.
Chẳng hạn, dữ liệu về vị trí xe có thể sử dụng để cảnh báo ùn tắc giao thông, nhưng nếu không được phân loại kỹ, người dùng có thể bị lộ thông tin như biển số và vị trí chính xác, gây nguy cơ xâm phạm quyền riêng tư. Do đó, phân loại dữ liệu không chỉ phục vụ bảo mật mà còn là nền tảng cho quá trình thương mại hóa dữ liệu một cách minh bạch.
Hệ thống iHanoi hiện có hơn 5 triệu người dùng – một kho dữ liệu khổng lồ nếu được quản lý đúng cách có thể mở ra thị trường dữ liệu, giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là startup, tiếp cận và khai thác để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới. Để điều này khả thi, cần một khung pháp lý bảo vệ quyền riêng tư đủ mạnh để tạo niềm tin cho người dân khi chia sẻ dữ liệu.
Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, mới được ban hành, là nền tảng pháp lý quan trọng cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, Luật cần được cụ thể hóa bằng những chính sách và hướng dẫn rõ ràng tại từng cơ quan, đơn vị và đến từng người dân.
“Khi toàn xã hội có nhận thức thống nhất và hành động đồng bộ, dữ liệu sẽ trở thành mạch máu nuôi sống hệ thống chính quyền và tổ chức. Đây là nguồn tài sản có giá trị to lớn để Việt Nam tiến nhanh hơn trong hành trình phát triển kinh tế số”, ông Đồng nhấn mạnh.