Theo đó, việc định danh nhà đất sẽ được Bộ Xây dựng hoàn thành vào cuối tháng 6/2024 để tích hợp với cơ sở dữ liệu dân cư đang được các bộ, ngành xây dựng theo đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến 2030.
Tại Dự thảo “Hướng dẫn thu thập, cung cấp thông tin địa chỉ, dữ liệu định danh vị trí nhà ở, công trình xây dựng tại đô thị và điểm dân cư nông thôn tích hợp với Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về Dân cư” đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, Bộ Xây dựng đề xuất 100% nhà ở, đất ở tại đô thị sẽ được định danh địa chỉ, gắn số nhà; khoảng 80% nhà ở tại nông thôn được định danh địa chỉ theo thôn, xóm. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề xuất 100% thông tin dữ liệu về đánh số nhà ở đô thị, điểm dân cư nông thôn được định danh và xác thực; kết nối liên thông dữ liệu về nhà ở với cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý.
Các chỉ tiêu thông tin, dữ liệu về nhà ở cần thu thập bao gồm: loại hình nhà ở, diện tích xây dựng, diện tích sàn, số tầng, địa chỉ, số nhà được cấp. Dữ liệu về nhà ở, đất ở sau thu thập được tích hợp với họ và tên chủ nhà, chủ đất, số chứng minh thư, số căn cước công dân, ngày tháng năm sinh của chủ nhà, chủ đất, loại hình cư trú (chính chủ, thuê nhà, ở nhờ).
Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, việc triển khai được việc định danh nhà đất thì sẽ chi tiết hóa đến từng căn nhà, mảnh đất cụ thể. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước sẽ nắm được thông tin cả nước có bao nhiêu triệu căn nhà, đặc tính từng căn nhà, thuộc sở hữu của ai. Trong điều kiện công nghệ hiện nay có thể cho phép lập cơ sở dữ liệu thuận tiện hơn, giúp quản lý tài sản của chủ sở hữu dễ dàng hơn, hoạt động quản lý thị trường của cơ quan nhà nước cũng thuận tiện hơn.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ sẽ ban hành hướng dẫn về đánh số biển số nhà, dữ liệu về nhà ở, dữ liệu đất đai để tích hợp vào dữ liệu dân cư đồng thời ban hành một thông tư hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác định danh nhà đất.
“Việc xây dựng một cơ sở dữ liệu đầy đủ để định danh nhà đất sẽ giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn, đồng thời thúc đẩy quá trình liên thông thủ tục hành chính các cấp. Khi dữ liệu được cập nhật đầy đủ, người dân sẽ không phải mang theo hồ sơ, chứng từ khi làm các thủ tục liên quan, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Bộ Xây dựng sẽ giao Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Trung tâm thông tin của bộ làm đầu mối, có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn và đôn đốc các địa phương thực hiện thu thập thông tin định danh nhà ở, đất ở.
Nhiều chuyên gia cho biết, việc định danh nhà đất đã có số căn cước công dân và trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ đỏ đã ghi số căn cước nên việc tra thông tin dữ liệu rất dễ dàng. Tuy nhiên, nhà ở là tài sản thuộc quyền sở hữu của cá nhân, vì thế thông tin nhà đất của người sử dụng không thể công khai xã hội được. Do đó, những người buộc phải kê khai tài sản thì mới phải kê khai và danh sách cũng chỉ cung cấp cho những người được quyền khai thác.