Với nền tảng vững chắc từ chuỗi giá trị điện tử quy mô lớn và nguồn lực đầu tư từ các “đại bàng bán dẫn”, thực tế, Bắc Ninh không bắt đầu từ con số không trong nỗ lực xây dựng hệ sinh thái.
Trong đó, Amkor là cái tên đáng chú ý. Tập đoàn được thành lập song song giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc, bắt đầu đầu tư dự án sản xuất, lắp ráp thử nghiệm vật liệu bán dẫn tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C (Bắc Ninh) từ cuối năm 2023, có quy mô với tổng vốn đầu tư đến năm 2035 là 1,6 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Bắc Ninh cũng thu hút nhiều dự án quan trọng khác như nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn của Victory Giant Technology tại khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, hay dự án của Micro Commercial Components tại khu công nghiệp Yên Phong I, với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, hiện đã đi vào hoạt động thử nghiệm từ quý I/2025 và lên kế hoạch mở rộng trong các năm tới.
Để phát triển hệ sinh thái bán dẫn, Bắc Ninh cũng có lợi thế nhờ trung tâm sản xuất điện tử. Năm 2011, Samsung chọn tỉnh Bắc Ninh làm cứ điểm sản xuất điện thoại thông minh. Những năm sau đó, sự thành công của nhà sản xuất điện tử Hàn Quốc tạo động lực kéo theo hàng loạt dự án phụ trợ, từng bước hình thành mạnh mẽ hệ sinh thái công nghiệp điện tử tại Bắc Ninh.
Từ đó đến nay, Bắc Ninh liên tục thu hút hàng loạt dự án đầu tư lớn, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các hãng công nghệ lớn như LG, Canon, Toshiba…
Tuy nhiên, hệ sinh thái bán dẫn của Bắc Ninh vẫn còn ở giai đoạn hình thành, do đó, để đạt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn, việc chuyển dịch sang chuỗi giá trị cao hơn của ngành là hướng đi Bắc Ninh phải làm, cũng đã và đang thực hiện.
Một điểm sáng chính sách đáng chú ý là Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trên cả nước ban hành chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành bán dẫn, với cam kết chi tới 1.000 tỷ đồng đến năm 2030 để hỗ trợ học phí cho khoảng 10.000 sinh viên – một bước đi cho thấy tầm nhìn dài hạn và chiến lược “đi tắt đón đầu” trong chuẩn bị nguồn lực.
Bắc Ninh đặt mục tiêu đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn của tỉnh và cả nước trong tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị trong ngành công nghiệp bán dẫn, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch bán dẫn.
Không dừng lại ở chính sách nhân lực, Bắc Ninh cũng triển khai nhiều cơ chế ưu đãi đặc thù để đón dòng vốn đầu tư chất lượng cao, như rút ngắn ít nhất 1/3 thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, ưu tiên ổn định hạ tầng, đặc biệt là hệ thống điện, vốn là yếu tố then chốt với ngành công nghệ cao.
Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung cho nghiên cứu, phát triển công nghệ bán dẫn, nghiên cứu và phát triển các thiết bị điện tử thế hệ mới tích hợp chip chuyên dụng.
Một trong những chiến lược của Bắc Ninh trong phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn là thúc đẩy sử dụng chip trong các lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp tự động hóa, điện tử tiêu dùng; xây dựng cơ chế ưu đãi để đầu tư vào nhà máy chế tạo chip bán dẫn phục vụ nghiên cứu và sản xuất.
Xác định xây dựng nền kinh tế tự chủ, linh hoạt, Bắc Ninh đã và đang đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư trong nước và quốc tế, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích 6.397,68 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 61,1%, đang sử dụng gần 295 nghìn lao động. Ngoài ra, tỉnh có 39 cụm công nghiệp trong quy hoạch tạo việc làm cho khoảng 13 nghìn người. Dân số tỉnh Bắc Ninh năm 2024 đạt 1,54 triệu người, lực lượng lao động 809.000 người; lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 36,1%.
Cuối tháng 3/2025, Bắc Ninh tiếp tục trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 14 doanh nghiệp trong nước, tổng vốn đầu tư khoảng 324,6 triệu USD; 6 doanh nghiệp nước ngoài, tổng vốn đầu tư 320,5 triệu USD (số vốn đăng ký mới của các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào tỉnh tương đương với doanh nghiệp FDI).