VNHNChương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại tỉnh Bạc Liêu đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong việc phát triển và khẳng định thương hiệu các sản phẩm địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn và nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản của tỉnh.

Nhiều sản phẩm đặc sản như tôm sú nguyên con đông lạnh, tổ yến sơ chế sấy khô, muối tinh và muối hạt đã được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế như Hàn Quốc, châu Âu và Singapore – Ảnh: TL
Sau 7 năm triển khai (2019 – 2025), Chương trình mỗi xã một sản phẩm của tỉnh Bạc Liêu đã triển khai đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động nông thôn, quảng bá giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống… Riêng trong giai đoạn 2019 – 2024, tỉnh có 160 sản phẩm của 79 chủ thể được cấp thẩm quyền đánh giá, công nhận sản phẩm đạt hạng OCOP 3 – 4 sao (trong đó, có 32 sản phẩm OCOP 4 sao và 128 sản phẩm OCOP 3 sao).
Riêng trong năm 2024, tỉnh Bạc Liêu công nhận mới và công nhận lại 55 sản phẩm OCOP. Trong đó có 2 sản phẩm được UBND gửi hồ sơ đề nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm đạt 5 sao là Muối tinh Bạc Liêu và Muối hạt Bạc Liêu; 7 sản phẩm phân hạng 4 sao và 46 sản phẩm đạt hạng 3 sao.
Đến nay, Bạc Liêu đã có 9 sản phẩm vào trong hệ thống các siêu thị trong nước (chả lụa, chả gân – Công ty TNHH MTV Nam Á, thị xã Giá Rai; bánh đậu xanh – cơ sở Hương Sen (thành phố Bạc Liêu); muối tinh, muối hạt, muối I ốt, muối tiêu, muối ớt, muối tôm (Công ty CP muối Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi). Đồng thời, 8 sản phẩm có thị trường xuất khẩu gồm: tôm thẻ nguyên con đông lạnh, tôm thẻ nguyên con hấp/luộc đông lạnh, tôm sú nguyên con đông lạnh, tôm sú nguyên con hấp/luộc đông lạnh (Công ty CP chế biến xuất khẩu Tôm Việt, TP Bạc Liêu); Tổ yến sơ chế sấy khô (Công ty TNHH SX – TM – DV yến sào Hi!Nest – TP Bạc Liêu); muối tinh, muối hạt (Công ty Cổ phần muối Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi); tôm sú thành phẩm sau hấp (Công ty TNHH MTV XNK thủy sản Tùng Loan, huyện Phước Long).

Sản phẩm muối tinh – muối hạt đã được UBND tỉnh Bạc Liêu gửi hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 5 sao – Ảnh: TL
Hiện, doanh nghiệp đã hỗ trợ tạo điều kiện để một số chủ thể OCOP của tỉnh có gian hàng trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại siêu thị GO tại thành phố Bạc Liêu. Nhiều sản phẩm OCOP của Bạc Liêu cũng được đưa vào hệ thống siêu thị trong nước như Co.opmart và các sàn thương mại điện tử như Postmart.vn, Tiki, Lazada.
Chính quyền tỉnh cũng đã tổ chức và tham gia nhiều hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu trong và ngoài nước nhằm quảng bá sản phẩm OCOP, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận thị trường mới.
Như ông Ngô Nguyên Phong – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bạc Liêu đánh giá, hầu hết các sản phẩm được công nhận OCOP 3 đến 4 sao là sản phẩm thực phẩm, chủ yếu thuộc nhóm thực phẩm thô, sơ chế và chế biến (gạo, thủy sản…), nên nguồn nguyên liệu tại địa phương luôn đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Đồng thời, các chủ thể OCOP liên kết, hợp đồng chặt chẽ trong việc cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào để phục vụ cho sản xuất.

Tỉnh khuyến khích liên kết giữa các hộ sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp để hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế – Ảnh: TL
Các cơ quan chức năng đã hỗ trợ các chủ thể OCOP trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, nhãn mác, đăng ký nhãn hiệu và xây dựng thương hiệu, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
Theo đó thời gian tới, tỉnh sẽ còn tiếp tục hỗ trợ các chủ thể OCOP đầu tư nâng cấp trang thiết bị, áp dụng quy trình quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng tới đạt chuẩn OCOP 5 sao. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đưa sản phẩm OCOP vào các chuỗi siêu thị, sàn thương mại điện tử và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Tăng cường liên kết giữa các chủ thể OCOP với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân nhằm xây dựng chuỗi giá trị bền vững, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và nâng cao thu nhập cho người dân.
Có thể thấy, Chương trình OCOP tại Bạc Liêu đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản của tỉnh trên thị trường trong và ngoài nước./.