Thứ sáu, 12/05/2023 09:14 (GMT+7)
–Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận tại phiên họp thứ 23 diễn ra vào chiều 11/5.
Phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai
Hầu hết các ý kiến phát biểu đều đánh giá cao sự nỗ lực của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan trong quá trình bổ sung, chỉnh lý và hoàn thiện dự án luật; cho rằng hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị rất công phu, kỹ lưỡng, đặc biệt là việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật này có số lượng ý kiến góp ý rất lớn và được tiếp thu rất nghiệm túc…
“Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã được bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hơn nhiều so với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến lần trước. Cơ quan soạn thảo đã rất chủ động, sát sao trong việc tổng hợp ý kiến của nhân dân với khối lượng lấy ý kiến đóng góp rất lớn trong khi thời gian lấy ý kiến, tiếp thu không nhiều”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên đánh giá.
Nhấn mạnh, đây là đạo luật giữ vai trò rất quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, cuộc sống của mọi người dân, các ý kiến khẳng định, việc hoàn thiện dự án Luật phải bám sát và thể chế hóa đầy đủ các nội dung đã nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Đồng thời, thể chế, chính sách về đất đai cần phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; có chính sách phù hợp với từng đối tượng, loại hình sử dụng đất để tạo không gian, động lực cho phát triển, khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, giữa các vùng, miền, vì mục tiêu chung phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; đi cùng với cơ chế đổi mới về quản lý, sử dụng đất đai phải có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí; từ đó, cụ thể hóa thành các các quy định pháp luật, bảo đảm tính khả thi và sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến các nội dung lớn của dự an luật về: quyền, trách nhiệm của Nhà nước, công dân với đất đai; quyền, trách nhiệm của người sử dụng đất; quy định về các trường hợp thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; phát triển quỹ đất; quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất; tài chính đất đai, giá đất;…
Nhấn mạnh, nội dung về thu hồi đất rất được cử tri, nhân dân quan tâm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, dự thảo Luật đã có quy định cụ thể, tuy nhiên, cần minh bạch hơn tiêu chí, điều kiện thu hồi đất để đảm bảo đúng tiêu chí, tránh khiếu kiện. Cần làm rõ khái niệm thế nào là phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, thế nào là phục vụ mục đích phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, vì lợi ích công cộng. Các quy định phải thật rõ ràng, cụ thể, bảo đảm tính chặt chẽ và khả thi trong áp dụng pháp luật.
Liên quan đến vấn đề xây dựng bảng giá đất, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy bày tỏ nhất trí với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; cho rằng việc xây dựng bảng giá đất rất mất thời gian, do vậy đề nghị cần cân nhắc kỹ về vấn đề này.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Hồng Nguyên, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và dự thảo về Luật Nhà ở vẫn còn một số điểm khác nhau khác nhau, như vấn đề về thu hồi đất, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, về thu tiền sử dụng đất cho nhà ở công vụ… Do đó đề nghị Chính phủ rà soát rà soát, sửa đổi những điểm còn khác, chưa thống nhất giữa 2 dự thảo luật ngay trong đợt này.
Đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, qua rà soát nhận thấy kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự án luật có quy mô và thực hiện tốt, được nhân dân quan tâm với trên 12 triệu lượt ý kiến đóng góp. Người dân quan tâm rất nhiều đến những vấn đề có liên quan sát sườn đến đời sống, như vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, vấn đề giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính đất đai và giá đất, vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên có hình thức báo cáo lại với nhân dân về việc lấy ý kiến và tiếp thu giải trình ý kiến nhân dân, ít nhất là phải đăng tải công khai báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân lên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và của Bộ TN&MT, cùng với đó công tác thông tin truyền thông cũng cần được chú trọng hơn.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao hồ sơ dự án luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến trình Quốc hội lần này đã được chuẩn bị hết sức công phu, được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc kỹ lưỡng, chọn lọc nhiều ý kiến góp ý tâm huyết của các cơ quan, tổ chức, các trường đại học, viện nghiên cứu, các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
Qua xem xét hồ sơ cho thấy so với dự thảo trước, dự thảo mới nhất lần này đã có bước tiến rất quan trọng về chất lượng. Nhiều nội dung được sửa đổi chi tiết, sát thực tế và có tính khả thi cao hơn… Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội cho rằng hồ sơ này đã đủ điều kiện để tiếp tục trình với Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 tới. Đặc biệt là báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế rất công phu rất chất lượng, nêu nhiều vấn đề, quan điểm, nội dung lớn và cả những vấn đề, điều khoản cụ thể để Quốc hội cho ý kiến.
Về thể chế hóa các quan điểm, nguyên tắc và nội dung trong Nghị quyết 18-NQ/TW, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phải tiếp tục rà soát để thể chế hóa một cách đầy đủ, đồng thời lưu ý một số nội dung khác cần phải tiếp tục rà soát để hoàn thiện sâu sắc hơn, như: Cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản; khuyến khích phát triển thị trường quyền sử dụng đất, nhất là thị trường cho thuê đất nông nghiệp; cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai;…
Trong dự án luật này có nhiều điều giao cho Chính phủ hướng dẫn chi tiết hoặc thực hiện theo quy định của Chính phủ, trong đó có nội dung rất quan trọng là vấn đề về tài chính đất đai, phương pháp, cách thức, trình tự, thủ tục tính giá đất. Nhấn mạnh đây là những vấn đề đại sự, người dân rất quan tâm, cần phải được luật hóa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan nghiên cứu để quy định cụ thể, đưa vào luật và làm rõ danh mục các văn bản dự kiến ban hành để hướng dẫn chi tiết.
Tiếp tục rà soát, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp
Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận, kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự án luật được tiến hành khoa học, toàn diện, thực chất, các ý kiến của nhân dân đã được tiếp thu đầy đủ.
Đây là dự án luật rất quan trọng, là trọng tâm công tác xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Vì vậy, cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu kỹ, tổng hợp và tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp.
Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án luật đảm bảo chất lượng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án luật theo đúng quy định của pháp luật, lưu ý tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm về các nội dung đã tiếp thu ý kiến người dân; rà soát, đưa vào luật những vấn đề đã chín, đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh để đảm bảo tính khả thi khi luật có hiệu lực.
Ngoài ra, cần rà soát, hoàn thiện quy định về điều kiện giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, tiếp tục hoàn thiện quy định về sử dụng đất, nhất là các vấn đề mới như đất tôn giáo, tín ngưỡng, quốc phòng, an ninh, bất động sản liền kề…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan khẩn trương nghiên cứu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra để hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tới đây.