Thứ bảy, 04/11/2023 16:44 (GMT+7)
–Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý trước ngày 44/11/2023 cho Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (Nghị định số 08).
Nghị định 08 Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực từ 10/1/2022. Mặc dù mới có hiệu lực hơn 1 năm nhưng quy định này đã bộc lộ nhiều bất cập.
Vì vậy, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố lấy ý kiến sửa đổi một số điều Nghị định 08 năm 2022 quy định chi tiết về Luật Bảo vệ môi trường. Sau khi tổng hợp ý kiến sẽ trình Bộ Tư pháp và chính phủ trong tháng 11, và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024.
Dự thảo sửa đổi 47/169 điều của Nghị định 08/2022/NĐ-CP. Các quy định tập trung vào giảm đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM), cấp giấy phép môi trường; đẩy mạnh phân quyền cho địa phương giải quyết thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn khi triển khai thực hiện. Các nội dung được sửa đổi, bổ sung bảo đảm không thay đổi chính sách lớn, không mở rộng đối tượng chịu tác động của chính sách đã được ban hành và áp dụng ổn định.
Để giảm đối tượng phải thực hiện ĐTM, trong Phụ lục IV về danh mục các dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, Dự thảo đã bổ sung quy định cận dưới của diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên; diện tích sử dụng rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới, vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển, vùng đệm của khu bảo tồn, vùng đất ngập nước quan trọng. Đồng thời, đề xuất bổ sung mức tối thiểu của quy mô khai thác nước ngầm và nước mặt phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện ĐTM.
Đối với Phụ lục II về danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, Dự thảo đã điều chỉnh tên loại hình sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử theo hướng: chỉ áp dụng cho các dự án có một trong các công đoạn gây ô nhiễm; đồng thời quy định rõ đơn vị tính số lượng áp dụng cho sản xuất linh kiện điện tử, khối lượng áp dụng cho sản xuất thiết bị điện và nâng mức công suất so với quy định hiện hành, qua đó sẽ giảm đối tượng phải thực hiện ĐTM. Ngoài ra, chỉnh lý, làm rõ hơn tên một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để tạo điều kiện thuận lợi hơn khi tra cứu.
Bổ sung Điều 3 giải thích từ ngữ về đối tượng sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải cấp giấy phép môi trường (không bao gồm dịch vụ hành chính công), qua đó sẽ giảm đối tượng cấp giấy phép môi trường là trụ sở các cơ quan.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung Điều 30; số thứ tự 12 Phụ lục III và số thứ tự 11 Phụ lục IV để đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền về UBND cấp tỉnh và cấp huyện. Sửa đổi quy định về các trường hợp cơ sở đang hoạt động phải thực hiện ĐTM, cấp lại, điều chỉnh giấy phép môi trường theo hướng theo hướng: tăng từ 30% quy mô, công suất trở lên mới phải thực hiện ĐTM; tăng từ 5 đến dưới 30% phải cấp lại giấy phép môi trường (không phải ĐTM); tăng dưới 5% chỉ phải điều chỉnh giấy phép môi trường.
Dự thảo Nghị định sửa đổi đã đẩy mạnh phân quyền cho các địa phương trong thẩm định báo cáo ĐTM, cấp GPMT đối với một số loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thông qua việc sửa đổi một số tiêu chí về quy mô, công suất các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như: chăn nuôi gia súc, gia cầm; giết mổ gia súc, gia cầm; sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử và một số loại hình khác…
Dự thảo cũng làm rõ các quy định chuyển tiếp trong Điều 168 đối với các dự án đầu tư đã triển khai xây dựng nhưng chưa đi vào vận hành hoặc các cơ sở đang hoạt động mà chưa có xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc các hồ sơ về môi trường tương đương theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
Một điểm đặc biệt nữa, đối với phế liệu nhập khẩu, Bộ TNMT tiếp tục đưa thêm điều kiện “Cấm nhập khẩu phế liệu để sản xuất hạt nhựa từ 31/12/2024”.
Về trách nhiệm tái chế, xử lý sản phẩm, bao bì của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu: Luật BVMT quy định trách nhiệm mở rộng của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, bao bì có khả năng tái chế/khó có khả năng tái chế (EPR) phải thu hồi với tỷ lệ và quy cách bắt buộc hoặc thông qua hợp đồng dịch vụ hoặc cơ chế đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu.
Liên quan đến chính sách này, Nghị định số 08/2022/NĐ- CP đã quy định cụ thể đối tượng, lộ trình thực hiện trách nhiệm tái chế, đối tượng, mức đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để thực hiện trách nhiệm hỗ trợ xử lý chất thải; trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai vận hành cơ chế này, đặc biệt là các quy định để bảo đảm tính minh bạch về cơ chế quản lý tài chính.
Qua rà soát các quy định, nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc tuân thủ của nhà sản xuất, nhập khẩu, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định của chính sách này theo hướng quy định cụ thể hơn về: đối tượng phải thực hiện trách nhiệm EPR; quy cách tái chế sản phẩm, bao bì; mức tính tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải; việc công bố đơn vị tái chế, tổ chức nhận ủy quyền tái chế; trình tự hỗ trợ xử lý chất thải, tái chế sản phẩm, bao bì và một số nội dung khác có liên quan để đồng bộ.
Về một số nội dung khác: Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát để tiếp tục chỉnh lý, làm rõ hơn quy định đối với một số nội dung có liên quan đến giải thích thuật ngữ; trách nhiệm BVMT của các cơ quan trong việc xây dựng, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; BVMT trong các lĩnh vực; quy định cụ thể về lộ trình hạn chế nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất;… đồng thời tích hợp chỉnh lý một số lỗi kỹ thuật soạn thảo tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP để đồng bộ, thống nhất. Ngoài ra, trong quá trình xây dựng văn bản, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan để rà soát, ghi nhận các ý kiến mới đề nghị chỉnh lý nội dung Nghị định và sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương có liên quan để tiếp tục tổng hợp ý kiến và đề xuất nội dung sửa đổi trong quá trình xây dựng Nghị định; bảo đảm hiệu lực, hiệu quả sau khi được ban hành.