Món lớ, ăn ngậm mà nghe…
Lớ là món ăn dân dã, khá phổ biến ở các vùng quê Quảng Trị, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn. Đây là món “ăn chơi” giữa gia đình, chòm xóm vào những ngày mưa dầm nhàn rỗi. Những buổi chiều mưa rả rích tuy không còn mái tranh nghèo tỏa khói nhưng hoài niệm về ngày xưa như sờ nắm được mùi lớ thơm lựng bắp (ngô) rang. Cũng thật lạ, món ăn gợi nhớ một thời như vậy, thế nhưng tôi tìm hoài vẫn không có trong “Từ điển Tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học, năm 2002! (1).
Món lớ
|
Người ta làm lớ từ hạt bắp. Đến mùa thu hoạch bắp, chọn những trái bắp đã cứng hạt nhưng chưa già lắm, đem phơi nắng. Sau vài ba nắng, khi hạt bắp khô thì lấy tay lẩy lấy hạt đem rang bằng chảo cát. Hạt bắp đã rang chín phải để vừa nguội rồi mới cho vào cối đá giã thành lớ. Nếu hạt bắp còn nóng hoặc khi quá dịu thì hạt bắp sẽ dai, khó vỡ vụn khi đem giã. Bột lớ không quá mịn nhưng cũng không để lợn cợn khó nuốt khi ăn.
Khi mẻ lớ đã mịn ở mức vừa ngon miệng, người ta cho thêm một ít muối vào. Và nhất là phải có đường, ngày xưa dùng đường bánh, sau này mới có đường cát. Tất cả cho vào cối đá giã và đảo thêm một chút là xong. Tôi nhớ, mẹ tôi vốn là người vô cùng cần kiệm, ngày xưa chị em tôi ca cẩm mãi thì mẹ mới lấy cục đường đen đùm lá chuối dưới đáy chạn đưa ra. Tất cả mắt sáng lên. Chị em tôi hớn hở, đứa nhóm lửa, bắc nồi, lấy cát từ ống tre ngà bên góc bếp. Lửa nổi lên, nằm trên cát nóng, bắp nổ lụp bụp rồi nở bung giòn giã, chị tôi cầm đũa luôn đảo quấy nhưng né tránh sợ nhầm vào mắt, chuẩn bị sàng sảy. Tôi vần cái cối đá nặng gấp ba mình, rồi chày, rồi vá để ngào đường. Cả nhà chộn rộn như sắp có một bữa tiệc ra trò.
Hạt bắp (ngô) khô, nguyên liệu chính làm nên món lớ.
|
Khi đã thành lớ rồi, lớ được cho vào một tô lớn hoặc một chiếc thố bằng gốm để cả nhà quây quần thưởng thức. Dụng cụ để lấy lớ cho vào miệng là những chiếc lá mít tươi. Cầm chiếc lá mít non, đưa ngón cái và ngón trỏ nhẹ nhàng tóm vành lá phía cuống và đuôi, kẹp lại thành một “chiếc thìa lá” nho nhỏ; dùng gai cây bưởi găm cố định phía sau “chiếc thìa lá” là có thể xúc bột lớ để ăn. Ăn lớ, phải ăn khéo, khẽ há miệng, nhẹ nhàng vẫy các ngón tay để bột lớ rơi đúng trên mặt lưỡi. Lớ mịn, không cần nhai. Trên mặt lưỡi, hạt lớ từ từ ngấm nước bọt làm cho vị ngọt của đường, vị mặn nhẹ của muối, vị bùi ngậy của bắp kích thích hoạt động của vị giác; trong khi khứu giác đón nhận mùi thơm thoang thoảng, ngầy ngậy của bột bắp và lá mít non, mang lại cho người ăn cảm giác vừa khoái khẩu vừa đê mê.
Nói vậy, nhưng không phải ai cũng có thể ăn lớ một cách khéo léo như trên. Vì thế, những người ngồi ăn lớ luôn có một tư thế rất đặc biệt. Vẫn cùng nhau ngồi quây quần bên tô lớ nhưng sau khi đã dùng chiếc thìa lá mít xúc một ít bột, người ta quay đầu lại, tránh nhìn thẳng mặt người khác, rồi mới hơi ngửa đầu cho lớ vào miệng. Nếu không làm như vậy, sẽ lắm khi phiền. Lớ ở dạng bột nên khi ăn rất dễ bị sặc, khiến bột lớ trong miệng phun ra trúng người ngồi phía trước hoặc sốc lên mũi người ăn, nhất là khi bất thình lình bị hắt hơi, bị ai chọc lét, hay nhìn thấy hoặc nghe thấy điều gì đó trái khoáy, buồn cười.
Ăn lớ cũng chỉ là để vui miệng, không phải ăn no. Thôn quê ngày xưa còn thường giã lớ và ăn lớ vào những đêm trăng. Người ta mời bạn bè, bà con chòm xóm cùng đến ăn cho vui. Ăn lớ sẽ vui hơn nếu được nghe chuyện tiếu lâm, chuyện trạng và trổ tài “nhịn cười” để khỏi bị sặc. Khi thấy hầu như ai cũng cho lớ vào miệng, người kể chuyện tếu vui mới bắt đầu kể chuyện. Ai nấy đều lắng nghe, môi mím lại để nhịn cười. Nhưng khi câu chuyện đến chỗ cao trào, chẳng còn làm sao có thể nhịn cười thì tất cả bị cuốn theo, vừa cười vừa sặc.
Quả là, món lớ quá ngon, ăn ngậm mà nghe…
(1): Từ điển Tiếng Việt 2002, Viện Ngôn ngữ học. NXB Đà Nẵng, 2002.
Nhà văn Nguyễn Linh Giang – Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh