Nên đẩy mạnh phát triển nhà ở thương mại giá rẻ
Tại tọa đàm “Tháo gỡ điểm nghẽn nhà ở xã hội” do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 31.5, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN-MT, cho rằng hiện nay vẫn có quan niệm cũ về nhà ở xã hội là phải có sự “bao cấp” của Nhà nước: đất đai không thu tiền, vốn làm nhà là phải có ưu đãi…
Tuy nhiên, thực tế rất nhiều doanh nghiệp có thể vận dụng sức của mình để giải quyết được vấn đề nhà ở xã hội giống như làm nhà ở thương mại giá rẻ. Lúc này, chúng ta cần phải tính đến những ưu đãi nhất định cho loại hình nhà ở thương mại giá rẻ, vì đây là phân khúc ngay sát kề với nhà ở xã hội.
Hơn nữa, theo quan điểm của Ngân hàng Thế giới, cũng không nên có quan niệm là nhà ở xã hội mà phải chuyển sang nhà ở thương mại giá rẻ với ưu đãi nhất định về thuế, tiếp cận đất đai, vốn.
Ngoài ra, chính sách về nhà ở cần đi kèm với cải cách chế độ tiền lương, chế độ phúc lợi… mới tạo nên tổng thể giải quyết được vấn đề an sinh xã hội.
“Các doanh nghiệp nên đào sâu hơn nữa vào quá trình phát triển phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ. Sức doanh nghiệp có thể tạo ra được áp dụng công nghệ xây dựng, công nghệ vật liệu xây dựng làm giá thành nhà ở giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, hiện nay doanh nghiệp cũng đưa ra việc giảm xi măng, sắt thép…, như vậy là giảm chất lượng, không ổn”, GS Đặng Hùng Võ nói.
Giảm thủ tục hành chính để doanh nghiệp thấy nhà ở xã hội hấp dẫn hơn
Phát biểu tại tọa đàm, ông Bùi Tiến Thành, Trưởng phòng Phát triển đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội), nêu 3 ý kiến đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng.
Thứ nhất, trình tự thủ tục hành chính đầu tư nhà ở xã hội phải rút ngắn lại. Trường hợp có đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội thì cần có quy định riêng, chứ hiện nay là mất 2 năm. Như vậy là quá dài cho một thủ tục lựa chọn chủ đầu tư.
Thứ hai, cần phải rà soát, bãi bỏ những quy định thủ tục hành chính không cần thiết, đối với triển khai dự án nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng, cái gì không nhất thiết phải có thì bỏ ngay. Bởi vì, đối với nhà ở xã hội, doanh nghiệp hưởng lợi tức chỉ 10% là tối đa, không giống như dự án thương mại khác.
Thứ ba, kiến nghị nội dung này liên quan đến trình tự triển khai dự án nhà ở nói chung, nhà ở xã hội nói riêng. Trong quá trình triển khai, thời gian gần đây, các doanh nghiệp gặp khó khăn về diện tích đất công nằm xen kẹt dạng “xôi đỗ” trong phạm vi ranh giới dự án. Đất công nằm trong phạm vi ranh giới thì rất khó để thu hồi, giao đất, nghĩa là thủ tục giải phóng mặt bằng cần có quy định giải quyết cụ thể để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Khảo sát nhu cầu nhà ở xã hội để đặt vị trí dự án chính xác
Ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch HĐQT Hòa Bình Group, chia sẻ với các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM…, phát triển nhà ở xã hội cần phải khảo sát nhu cầu về nhà ở xã hội chính xác đến từng khu vực quận, phường để nắm được số lượng cụ thể; từ đó có căn cứ để bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp. Làm được như vậy, người dân thậm chí sẽ chỉ phải đi bộ đi làm, còn giúp giảm áp lực lên hạ tầng giao thông.
Sau khi có vị trí quỹ đất, doanh nghiệp thấy rằng có cơ hội triển khai dự án nhà ở xã hội hấp dẫn sẽ tham gia ứng trước tiền giải phóng mặt bằng để Nhà nước thu hồi đất. Với dự án nhà ở xã hội, khi Nhà nước thu hồi thì người dân bắt buộc phải giao đất. Nhưng cơ chế cần ưu đãi cho người giao đất được mua mặt bằng tại tầng 1 dự án để ổn định kế sinh nhai.
“Giả sử khi bỏ 10 tỉ đồng giải phóng mặt bằng cho 1 ha để làm nhà ở xã hội sẽ tạo ra được cả triệu m2 nhà ở, giúp khoảng 20.000 người lao động được an cư. Dự án được triển khai cũng thúc đẩy hàng chục ngành nghề khác được phát triển theo, lại tăng được nguồn cung cho xã hội, thanh khoản bất động sản được tăng lên… Lợi ích rất nhiều đường mà sao lại không đẩy mạnh được?”, ông Đường nói.