Thảo luận về kinh tế – xã hội chiều 31.5 tại Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) cho rằng, đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp là một nhiệm vụ đa mục tiêu, vừa tạo công ăn việc làm mới, vừa thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo an cư cho người lao động.
Tuy nhiên, đại biểu Thịnh phản ánh, từ thực tiễn Bắc Giang cho thấy đề án đang gặp thách thức “rất trớ trêu” là căn hộ làm ra, công nhân muốn mua nhưng lại không đủ điều kiện do không đáp ứng điều kiện “không có nhà ở, đất ở nào khác”.
Ông Thịnh dẫn chứng cụ thể dự án nhà ở xã hội TT.Nếnh, H.Việt Yên (Bắc Giang) giai đoạn 1 có 4.000 căn hộ, giá bán 12,3 triệu đồng/m2, đang hoàn thiện để đi vào sử dụng. Tuy nhiên, từ khi công bố nhận hồ sơ đến nay mới có trên 200 công nhân đủ điều kiện mua nhà.
“Với tình hình như vậy, các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lại đối mặt với nguy cơ vỡ nợ vì không có khách hàng đủ điều kiện”, ông Thịnh nói, đồng thời đề xuất cần mở rộng ngay điều kiện đối tượng mua, thuê với ưu tiên xếp sau 10 đối tượng đã quy định tại luật Nhà ở, là các công nhân có thu nhập thấp và chủ doanh nghiệp có nhu cầu thuê cho công nhân của mình ở đều có thể là khách hàng.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị: “Đã có 100 dự án thuộc diện vay gói 120.000 tỉ xây nhà ở xã hội”
Đại biểu Trần Thị Vân (đoàn Bắc Ninh) dẫn báo cáo của Bộ Xây dựng cho hay, hiện nhà ở phục vụ cho công nhân chỉ đáp ứng được gần 30%. 70% còn lại đang thuê trọ của các hộ gia đình tư nhân xây.
Bà Vân cũng cho biết, trong cuộc làm việc với Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, tiếp xúc gần 1.000 cử tri, công nhân lao động thì chỉ 27 công nhân có nhu cầu định cư và mua nhà, chiếm gần 10%. Họ đều là công nhân có gia đình và đã làm việc ở Bắc Ninh có thời gian từ 5 – 10 năm.
“19 công nhân có nhu cầu ở trong ký túc xá của công nhân, chiếm 6,5%, còn lại số đông công nhân chỉ có nhu cầu thuê trọ, chiếm tới hơn 80%”, bà Vân cho hay.
Từ đó, đại biểu đoàn Bắc Ninh đề nghị Quốc hội, Chính phủ rà soát để hỗ trợ các hộ gia đình, cá nhân xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà cho công nhân thuê được hưởng các gói hỗ trợ giảm lãi suất, góp phần thực hiện mục tiêu kép, vừa hỗ trợ được người dân nhường đất cho phát triển công nghiệp có sinh kế phát triển bền vững, vừa hạ giá thành thuê nhà cho công nhân.
Tháo gỡ cơ chế để triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội
Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, cơ quan này đã có hướng dẫn đối tượng vay ưu đãi, ủy quyền cho UBND các tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra thủ tục pháp lý, lập danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ và công khai danh sách này để các ngân hàng có căn cứ cho vay.
Bộ Xây dựng cũng đôn đốc các địa phương để triển khai đề án đầu tư ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.
Ông Nghị cho biết, sau khoảng 1 tháng triển khai, có khoảng 100 dự án thuộc diện cho vay gói 120.000 tỉ đồng của đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội và các địa phương cũng đã công bố nhu cầu vay vốn trong gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, gồm: Bình Định 1.832 tỉ đồng, Phú Thọ 441 tỉ đồng, Đà Nẵng 545 tỉ đồng, Trà Vinh 420 tỉ đồng, Bắc Giang 4.527 tỉ đồng, Hải Phòng 3.892 tỉ đồng.
Theo ông Nghị, Bộ Xây dựng đã có hướng dẫn đối tượng vay ưu đãi, ủy quyền cho UBND các tỉnh lập danh mục nhà ở xã hội để các ngân hàng có cơ sở cho vay.
Thực tế chương trình mới triển khai hơn 1 tháng, gói 120.000 tỉ đồng là cho cả giai đoạn tới năm 2030, thời gian tới, các địa phương sẽ có nhiều dự án tham gia gói này như công bố của các địa phương.
Ông Nghị cho biết, tới đây, Bộ Xây dựng cùng Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương sẽ tháo gỡ cơ chế, chính sách như sửa đổi luật Nhà ở, pháp luật khác liên quan để triển khai hiệu quả đề án phát triển nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, bộ này sẽ làm việc với địa phương, doanh nghiệp để đôn đốc, thúc đẩy phát triển tăng nguồn cung cho nhà ở xã hội.
Tìm giải pháp ‘cởi trói’ cho nhà ở xã hội