Vì sao SIM ‘rác’ chặt đầu này lại mọc ra đầu khác?
Cuộc chiến chống SIM “rác” của cơ quan chức năng sau các động thái quyết liệt “chính chủ hóa” từ đầu năm đến nay vẫn chưa có hồi kết. Sau khi khóa hơn 12 triệu SIM “rác” và cắt kênh phân phối SIM qua đại lý từ đầu tháng 9, cuộc gọi “rác” vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt. Lý do rất đơn giản, các cuộc gọi này tuy xuất phát từ SIM “rác” nhưng lại… chính chủ!
Cách đây khoảng bảy năm, trong bài “Tết này sạch bóng SIM rác”, báo Quân đội Nhân dân dẫn số liệu từ một hội nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến ngày 15-1-2017, tổng số SIM có dấu hiệu kích hoạt sẵn bị phát hiện là 17 triệu. Trong số này, số SIM bị khóa là gần 16 triệu trong đợt tổng dọn dẹp SIM “rác” lần đầu tiên.
Thế nhưng, chỉ một thời gian không lâu sau cuộc tổng dọn dẹp này, SIM “rác” lại mọc ra như nấm sau cơn mưa. Đến cuối năm 2020, thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận đang có đến 6,8 triệu SIM “rác” đang hoạt động và tiến hành khóa đợt thứ hai.
Đợt dọn dẹp SIM “rác” lần thứ ba bắt đầu từ tháng 3 năm nay khi Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng rà soát và tổ chức nhiều cuộc thanh tra. Đến giữa tháng 9, các nhà mạng đã khóa 12,5 triệu SIM “rác” và các nhà mạng cắt quyền kích hoạt SIM cho kênh đại lý, vốn chiếm tới 80% lượng SIM bán ra thị trường.
Việc “chuẩn hóa thông tin” SIM thuê bao điện thoại di động bằng cách so khớp với dữ liệu số căn cước công dân của Bộ Công an để chống SIM “rác” có thể hoàn hảo trên lý thuyết nhưng thực tế lại không giống như cách nghĩ của các nhà quản lý.
Theo quy định quản lý này, SIM được xem là chính chủ, không phải SIM “rác” nếu thông tin cá nhân của chủ thuê bao đầy đủ, số căn cước công dân đúng với dữ liệu của Bộ Công an.
Trong khi đó, hiện nay người dân và doanh nghiệp không bị hạn chế số SIM thuê bao, chỉ cần có ký hợp đồng với doanh nghiệp viễn thông theo quy định tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP.
Điều này sẽ tạo ra nguồn SIM kích hoạt sẵn với thông tin chính chủ và được tung ra thị trường, đặc biệt là nguồn SIM do doanh nghiệp đứng tên thuê bao. Trong quá trình sử dụng, SIM nào bị người dùng báo cáo là “rác” thì SIM đó sẽ bị khóa, số SIM còn lại của cùng một chủ thuê bao vẫn được sử dụng bình thường.
Ngoài ra, tình trạng thành lập công ty, ký hợp đồng mua hàng trăm ngàn SIM trả trước để có SIM chính chủ được kích hoạt sẵn rồi giải thể doanh nghiệp cũng không phải là hiếm.
Các nguồn SIM này sẽ tiếp tục tạo ra SIM “rác chính chủ” với thông tin được chuẩn hóa đúng quy định. Đây chính là lý do khiến tình trạng cuộc gọi “rác” vẫn không giảm bớt sau các đợt kiểm tra chuẩn hóa thông tin từ giữa năm 2023 đến nay.
Có trường hợp khách hàng phát hiện thông tin của mình bị nhân viên nhà mạng tự ý lấy đăng ký cho 5 SIM khác. Với cách làm này thì cơ quan chức năng dù có kiểm tra cũng khó phát hiện ra được.
Muốn bịt kẽ hở SIM “rác” chính chủ hiện nay, cơ quan chức năng về quản lý nhà nước lĩnh vực viễn thông phải bắt buộc nhà mạng cung cấp công cụ để chủ thuê bao tự kiểm tra được thông tin cá nhân của mình đang có bao nhiêu SIM số điện thoại đăng ký sử dụng.
Quy định này tương tự như câu chuyện cách đây 15 năm, người dân mất tiền oan vì các dịch vụ giá trị gia tăng (VAS) như nhạc chuông, nhạc chờ, hình nền… mà họ không có nhu cầu sử dụng. Khách hàng bị nhà mạng “cài cắm” nhưng không hề hay biết là đã đăng ký dùng vì nhà mạng không cung cấp công cụ kiểm tra.
Đến khi báo chí phát hiện và khách hàng phản ứng mạnh, các nhà mạng mới đưa ra công cụ để chủ thuê bao tự kiểm tra xem đang sử dụng các dịch vụ VAS nào qua tin nhắn SMS, sau này là qua ứng dụng di động (app).
Việc người dân tự kiểm tra được có SIM lạ mà lại đăng ký bằng thông tin của mình sẽ góp phần hạn chế được tình trạng kích hoạt lén tạo ra SIM “rác” chính chủ.
Đối với doanh nghiệp đứng tên thuê bao SIM số lượng lớn, cơ quan chức năng cần định kỳ rà soát thông qua kết nối với hệ thống dữ liệu của ngành thuế về tình trạng hoạt động của họ.
Khi doanh nghiệp ngưng hoạt động theo ghi nhận trên hệ thống ngành thuế thì phải xem lại việc họ đang làm gì với hàng ngàn SIM mà họ đã đăng ký kích hoạt trước đó để có biện pháp xử lý sớm.
Về mặt quyền lợi, nhà mạng cần doanh thu từ bán SIM, cước cuộc gọi, tin nhắn SMS và các gói thuê bao internet (data). Do đó, đối với nhà mạng, chỉ cần SIM “chính chủ” theo đúng quy định là họ hoàn thành trách nhiệm quản lý đối với cơ quan chức năng, còn việc vi phạm là do chủ thuê bao sử dụng sai mục đích và nằm ngoài khả năng kiểm soát của họ.
Vì vậy, nếu không có thêm công cụ, quy định và biện pháp chế tài mới để ràng buộc trách nhiệm nhà mạng với lượng lớn SIM chính chủ được kích hoạt hàng loạt thì biện pháp “chuẩn hóa thông tin” sẽ khó lòng mà dẹp được SIM “rác”.
Song Nghi