Tương lai của chaebol SK Group và nền kinh tế Hàn Quốc trước vụ ly hôn thế kỷ
“Đám cưới thế kỷ” một thời của Hàn Quốc giữa chú rể Chey Tae-won và cô dâu Roh Soh-yeong đã giúp tập đoàn SK của gia tộc Chey như hổ mọc thêm cánh khi được củng cố bởi sức mạnh chính trị. Nhưng giờ đây, chaebol này lại đứng trước nguy cơ bị chia rẽ khi hai người ly hôn và bà Roh muốn nhận cổ phần của mình.
Từ đám cưới thế kỷ đến vụ ly hôn thế kỷ
Họ nhìn giống như một cặp đôi hoàn hảo trong tiệc đám cưới cách đây 35 năm tại sảnh khách của Nhà Xanh ở Seoul, nơi mà các chính trị gia thường tiếp đãi nguyên thủ quốc gia nước ngoài. Chú rể Chey Tae-won, với vẻ mặt có vẻ lo lắng, mặc bộ tuxedo đen và thắt nơ, trông rất xứng đôi với cô dâu Roh Soh-yeong rạng rỡ trong chiếc váy trắng tinh khôi.
“Đám cưới thế kỷ” này được giới truyền thông thời đó miêu tả là một liên minh triều đại giữa giới kinh doanh và chính trị vào những năm 1980 của Hàn Quốc. Cha của cô dâu là Roh Tae-woo – Tổng thống Hàn Quốc lúc bấy giờ, còn chú rể là con trai lớn của Chey Jong-hyun – Chủ tịch Tập đoàn Sunkyung (tiền thân của SK Group), một trong những tập đoàn lớn nhất xứ sở kim chi. Họ gặp nhau tại Đại học Chicago (Mỹ), nơi cả hai đều đang theo học tiến sĩ kinh tế.
Sau đám cưới, vào năm 1998, Chey thừa kế quyền kiểm soát Sunkyung, sau này được đổi tên thành SK Group. Vào thời điểm đó, đây chỉ mới là một tập đoàn cỡ trung với hoạt động kinh doanh chính là nhà máy lọc dầu.
Ông Chey Tae-won và bà Roh Soh-yeong vào năm 2003
|
Ngày nay, SK vươn lên trở thành tập đoàn lớn thứ hai Hàn Quốc với tổng giá trị thị trường, bao gồm các công ty con, là 153.6 ngàn tỷ won (113 tỷ USD). SK kiểm soát SK Telecom, công ty truyền thông di động lớn nhất Hàn Quốc và SK Hynix, nhà sản xuất chip nhớ lớn thứ hai thế giới xét về doanh thu, sau Samsung Electronics.
Cổ phần của các thành viên trong gia tộc Chey tại SK Inc.
Về khía cạnh kinh doanh, sự nghiệp của cặp vợ chồng này cực kỳ phát triển, song cuộc hôn nhân của họ lại rạn nứt. Năm 2015, Chey thú nhận đã có con với nhân tình. “Việc duy trì hai gia đình cùng một lúc là không thể và không phù hợp”, ông nói với truyền thông địa phương vào thời điểm ấy và sau đó đệ đơn ly hôn bà Roh.
Phiên toà ly hôn của họ thu hút nhiều sự chú ý của công chúng và báo giới, cũng giống như cuộc hôn nhân cách đây ba thập kỷ của họ, không chỉ vì lý lịch nổi bật của hai người, mà còn vì nguy cơ xảy ra địa chấn kinh tế ở Hàn Quốc.
Nền kinh tế Hàn Quốc phụ thuộc hoàn toàn vào các tập đoàn lớn, hay còn gọi là chaebol. Những chaebol này được kiểm soát bởi các gia tộc quyền lực, có nghĩa là những tranh chấp hay ly hôn nội bộ có thể gây ra hỗn loạn đối với nền kinh tế. Các thẩm phán trong những trường hợp như vậy được khuyến khích không phán quyết chia nhỏ cổ phần, vì việc chia tách các chaebol có thể gây ra hậu quả kinh tế lớn.
Bà Roh đã vô cùng tức giận khi vào tháng 12 năm ngoái, phiên toà ở Seoul chỉ phán quyết trao cho bà 66.5 tỷ won (50.2 triệu USD) và từ chối chia cổ phiếu SK của ông Chey cho bà. Khi đó, bà tìm cách đòi một nửa trong số 17.5% cổ phần của chồng cũ.
Cơ sở pháp lý của bà Roh rất đơn giản: “công việc lao động tại nhà” của bà phải được coi là phần đóng góp vào tài sản chung của hai vợ chồng và tài sản này phải được chia một cách công bằng.
Ông Chey Tae-won nắm 17.5% cổ phần tại SK, cùng quyền kiểm soát Tập đoàn, trong khi bà Roh chỉ nắm 0.01%
|
Mặc dù đây là vụ giải quyết thủ tục ly hôn lớn nhất được biết đến trong lịch sử Hàn Quốc nhưng số tiền chi trả chỉ chiếm 1.2% trong tổng tài sản 5 ngàn tỷ won của ông Chey và chưa đến 5% số tiền mà bà Roh yêu cầu. Cổ phần của ông Chey, với giá trị 1.9 ngàn tỷ won, mang lại cho ông quyền kiểm soát tập đoàn SK, trong khi bà Roh chỉ nắm giữ 0.01%.
“Tôi cảm thấy như thể cuộc đời mình bị phủ nhận hoàn toàn, vì đóng góp của tôi được đánh giá chỉ tương đương 1.2% tài sản của ông ấy, mặc dù tôi là người đã nuôi ba đứa con trong cuộc hôn nhân kéo dài 34 năm và giúp đỡ chồng tôi việc nhà và hơn thế nữa”, bà Roh nói trong một cuộc phỏng vấn với Law Times hồi tháng 1. Đơn kháng cáo của bà Roh đang được Tòa án tối cao Seoul xem xét.
Bà lập luận rằng sự đóng góp của bà cho khối tài sản chung của bà và ông Chey không chỉ dừng lại ở việc nuôi ba đứa con của họ và điều hành trung tâm nghệ thuật của Tập đoàn SK. Các luật sư của bà đã ám chỉ tới cả những ân huệ mà cha bà dành cho SK, một cựu tướng quân đã giúp quân đội giành quyền lực trong cuộc đảo chính năm 1979 và sau đó được bầu làm tổng thống một cách dân chủ từ năm 1988 – 1993.
Bà Roh Soh-yeong cho rằng những đóng góp của bà đối với Tập đoàn SK chỉ giá trị tương đương 1.2% tài sản của chồng cũ.
|
Nữ quyền
Vụ ly hôn giữa bà Roh và ông Chey sẽ được công chúng theo dõi chặt chẽ, vì đây là vấn đề liên quan tới quyền phụ nữ. Nó diễn ra trong bối cảnh có một loạt vụ kiện cấp cao cho thấy khía cạnh gia trưởng của các tập đoàn gia đình ở Hàn Quốc và vai trò cấp dưới mà các cổ đông nữ thường được giao.
Ví dụ, các thành viên nữ của gia đình Koo, gia đình sở hữu tập đoàn điện tử khổng lồ LG, vào tháng 7 đã khởi kiện chủ tịch tập đoàn này về tranh chấp thừa kế liên quan đến cổ phiếu LG mà họ cho rằng họ đã bị lừa mất bằng di chúc giả. Trong một trường hợp khác, mẹ của chủ tịch Samsung vào năm 2021 đã bất ngờ từ bỏ một phần quyền hợp pháp đối với cổ phiếu của mình để cho con trai nắm quyền điều hành tập đoàn.
Cổ phần của các thành viên trong gia tộc họ Koo tại LG.
|
Phán quyết của Tòa án Gia đình Seoul vào tháng 12 trong vụ ly hôn của bà Roh và ông Chey dường như cũng được cho là để bảo toàn quyền kiểm soát cổ phần của ông Chey tại SK Inc.
Các chuyên gia cho rằng đây là một sự khác biệt so với tiền lệ đã được thiết lập trong các vụ ly hôn, trong đó cơ quan có thẩm quyền thừa nhận vợ/chồng, nếu là lao động ở nhà, cũng đóng một vai trò quan trọng cho cuộc hôn nhân, từ đó cho phép họ được hưởng một phần đáng kể trong tài sản chung của vợ chồng nếu ly hôn.
Một ngoại lệ quan trọng đối với tiền lệ này là khi quyền sở hữu của một chaebol đang bị đe dọa. Lee Dong-jin, giáo sư luật tại Đại học Quốc gia Seoul và là cựu thẩm phán tòa án gia đình, nói: “Đây là lần đầu tiên tòa án giải quyết vụ ly hôn liên quan đến một công ty có quy mô như thế này, mà trong đó cổ phần có thể được chia đôi. Trước đây cũng có một số trường hợp doanh nghiệp bị chia tách do ly hôn nhưng chưa bao giờ có công ty lớn như vậy”.
Quy mô của SK và tầm quan trọng kinh tế của tập đoàn này đối với Hàn Quốc đã khiến cho vụ ly hôn giữa bà Roh và ông Chey trở nên khác biệt. Các tòa án đang chịu áp lực để không cho phép những mâu thuẫn cá nhân phá vỡ quyền sở hữu trong các công ty lớn nhất và thành công nhất đất nước này.
Hong Yoon-ji, một tay viết bình luận cho Law Times, đã viết vào tháng 4 về vụ ly hôn giữa bà Roh và bà Chey rằng: “Một số người lo lắng về tác động của phán quyết đối với các doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia. Ly hôn là một phần trong cuộc sống riêng tư của chủ sở hữu doanh nghiệp và nếu cổ phiếu của những doanh nghiệp trị giá hàng trăm tỷ won bị chuyển đi, nó có thể gây ra hỗn loạn kinh tế xã hội và thiệt hại cho nhiều người”.
Kim Dung (Theo Nikkei Asia)