Tại
Đà Nẵng, liên tục trong hai ngày (27 và 28/10) vừa qua, đã có ít nhất 3 nạn nhân bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao
lừa đảo
, chiếm đoạt số tiền hàng trăm triệu đồng. Đáng nói, dù phương thức, thủ đoạn không mới nhưng khó hiểu là các nạn nhân vẫn dễ dàng rơi vào
bẫy của bọn tội phạm
.
Những
chiêu trò
lừa đảo
Điển hình, lúc 16 giờ ngày 27/10, chị N.T.Đ (45 tuổi, trú phường An Khê, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) đến Công an phường trình báo về việc: Ngày 16/10, chị Đ. nhận được điện thoại và tin nhắn trên Facebook của người tự xưng là “Mai Tuấn Duy” tư vấn cho chị Đ. tham gia gói “Tham Vấn Phúc Lợi” sẽ được hưởng lãi suất.
Sau một hồi trò chuyện, chị Đ. được hướng dẫn chuyển tiền vào tài khoản
ngân hàng
Vietcombank, STK 1047545330, người thụ hưởng là “CONGTY TNHH DAUTUVN WONDERS PHU QUOC” và tài khoản ngân hàng MB, STK 367493636, người thụ hưởng là “CONG TY TNHH THUONG MAI DICH VU VINES” với tổng số tiền 402 triệu đồng.
Đáng nói, khi chị Đ. rút tiền ra lại thì tài khoản liên tục báo lỗi. Biết mình bị lừa, chị Đ. đến
Công an
phường trình báo.
Trước đó, khoảng 14h30 cùng ngày, anh M.V.H (45 tuổi, trú phường An Khê) nhận cuộc gọi của người tự xưng là “Lê Anh Tài”, công tác tại Chi cục Thuế quận Thanh Khê. Đối tượng yêu cầu anh H. kết bạn Zalo để hướng dẫn khai báo thuế.
Sau khi kết bạn, đối tượng gửi một đường link Viettin.CC và hướng dẫn anh H. truy cập vào để thực hiện các thao tác chứng minh trong tài khoản có đủ vốn điều lệ.
Anh H. sau đó chuyển tiền vào 2 tài khoản ngân hàng do mình đứng tên, mỗi lần thực hiện chuyển tiền, ngân hàng đều yêu cầu anh H. quét khuôn mặt để thực hiện hồ sơ. Đến lần chuyển tiền thứ 4, anh H. mới phát hiện điện thoại của anh bị người khác điều khiển từ xa. Hậu quả số tiền 250 triệu đồng anh chuyển vào tài khoản đều bị “rút ruột”.
Trước đó cũng tại địa bàn phường An Khê, ngày 19/10 chị N.T.S (37 tuổi) có trao đổi qua Facebook với người có tên là Phạm Mạnh Cường, tự xưng là “Phó Ban Quản lý dự án Công ty
xây dựng
Conteecom”.
Tài khoản trên giới thiệu một dự án đầu tư và đề nghị chị S. góp vốn để hưởng lợi nhuận sau 15 ngày. Chị S. sau đó chuyển khoản theo yêu cầu với tổng số tiền 550 triệu đồng vào 2 số tài khoản do đối tượng cung cấp. Sau 15 ngày đến kỳ hạn, chị S. rút tiền thì được thông báo “không phải là nhân viên công ty nên không được rút”, đồng thời yêu cầu chị S. nộp thêm tiền. Biết bị lừa nên ngày 28/10, chị S. đến Công an phường trình báo.
Nâng cao cảnh giác để tránh bị lừa
Theo các chuyên gia an ninh mạng, với nhiều phương thức lừa đảo, bọn tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo nhanh chóng và khi bị phát hiện thì ít để lại dấu vết. Điểm chung của hầu hết các vụ việc lừa đảo bằng công nghệ cao là các đối tượng thu thập được thông tin cá nhân của nạn nhân. Các thông tin này do nạn nhân sơ ý để lộ, hoặc các đối tượng tự thu thập được. Sau khi khi thu thập thông tin, các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh cơ quan, tổ chức liên hệ với chủ thể của thông tin để đề nghị chuyển tiền, yêu cầu cài đặt app qua đường link có chứa mã độc. Mặt khác, các đối tượng còn làm giả trang web của cơ quan, tổ chức, làm giả các sàn giao dịch điện tử cũng với mục đích chiếm đoạt tài sản.
Đại diện Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP. Đà Nẵng cho biết, tội phạm công nghệ cao hiện nay có những diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi. Thời gian qua, tội phạm công nghệ cao tiếp tục gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo trực tuyến mới nổi lên, bao gồm sử dụng phần mềm Deepfake tạo video giả mạo người thân hoặc cán bộ cơ quan Nhà nước, dùng trạm phát sóng giả phát tán tin nhắn, dùng dữ liệu cá nhân mua bán trái phép để tạo danh tính giả…
Trước thực trạng này, Công an TP. Đà Nẵng khuyến cáo người dùng Internet cẩn trọng khi truy cập các website khi chưa tìm hiểu kỹ thông tin để tránh bị lừa đảo. Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần tự bảo vệ mật khẩu, cơ sở dữ liệu, thông tin cá nhân, thông tin tài khoản và hệ thống thiết bị công nghệ của mình.