Xuất hiện “chiến địa” đầu tiên
Nvidia, công ty sản xuất chip máy tính tiên tiến nhất thế giới, dùng cho từ siêu máy tính đến ô tô hiện đại và điện thoại di động, cho biết chính phủ Mỹ đang hạn chế xuất khẩu những con chip tiên tiến nhất của họ sang “một số nước Trung Đông”.
Nvidia không cho biết quốc gia nào bị ảnh hưởng hoặc tại sao. Tờ DW của Đức gọi đây là một thông báo bí ẩn.
Nhưng đối với nhiều nhà quan sát, đó là dấu hiệu cho thấy “cuộc chiến công nghệ” giữa Trung Quốc và Mỹ đã lan đến Trung Đông.
Từ lâu, Mỹ đã cố gắng đi trước Trung Quốc trong việc phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Một trong những nỗ lực đó gần đây là hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với chip máy tính hoặc chất bán dẫn cần thiết cho các mô hình trí tuệ nhân tạo tiên tiến nhất.
Từ tháng 10/2022, Mỹ đã bước vào cuộc cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc khi áp đặt hàng loạt hạn chế sâu rộng với lĩnh vực xuất khẩu bán dẫn và thiết bị đúc chip tiên tiến. Nước này cũng cấm doanh nghiệp Mỹ tham gia hay hỗ trợ phát triển, sản xuất bán dẫn với các công ty Trung Quốc không có giấy phép.
Những quốc gia Trung Đông nào bị ảnh hưởng?
Cả chính phủ Mỹ và Nvidia đều không nêu chi tiết. Tuy nhiên, tờ DW (Đức) đưa ra nhận định về một số quốc gia Trung Đông bị ảnh hưởng.
John Calabrese, giáo sư giảng dạy chính sách đối ngoại của Mỹ tại American University, Washington đưa ra dự đoán rằng các quốc gia bị quan sát chặt chẽ nhất là Iran, Ả Rập Saudi và UAE.
“Iran đã chứng tỏ trình độ ‘hack’ cao. Ả Rập Saudi và UAE có đủ nguồn tài chính”, ông lý giải.
Giáo sư của trường American University cho rằng, lý do được viện dẫn sẽ là “an ninh quốc gia”.
Các quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ nằm trong số những quốc gia chi tiêu nhiều nhất trên thế giới cho AI. Ả Rập Saudi, UAE và Qatar đều coi sự chuyển đổi kỹ thuật số là cực kỳ quan trọng trong việc đa dạng hóa khỏi xuất khẩu dầu mỏ.
Vì sao Mỹ muốn kiểm soát xuất khẩu chip vào Trung Đông?
Christopher Miller, giáo sư lịch sử quốc tế tại Đại học Tufts ở Mỹ, nói với DW: “Sự hiện diện ngày càng tăng của các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei tại các thị trường Trung Đông là một phần nguyên nhân dẫn đến những lo ngại này”.
Các quốc gia Trung Đông đang đầu tư mạnh vào AI cũng đã tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc trong vòng 5 đến 10 năm qua.
Một nghiên cứu của trung tâm Carnegie Endowment có trụ sở tại Washington hồi tháng 8/2023 cho biết sự hợp tác khoa học và công nghệ của Ả Rập Saudi với Trung Quốc đã trở nên mạnh mẽ hơn trong khoảng 7 năm qua.
Một số lượng đáng kể sinh viên và giáo viên tại Đại học Khoa học và Công nghệ King Abdullah (KAUST) của Ả Rập Saudi là người Trung Quốc.
Nghiên cứu của Carnegie Endowment lưu ý rằng sự hợp tác giữa KAUST và các tổ chức nghiên cứu khác nhau của Trung Quốc đại lục đã phát triển nhờ các mối liên kết cá nhân được hình thành ở đó.
KAUST dự kiến sẽ nhận được 3.000 chip H100 tiên tiến của Nvidia vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, Mohammed Soliman, giám đốc chương trình công nghệ chiến lược và an ninh mạng tại Viện Trung Đông (MEI) có trụ sở tại Washington cho rằng điều này không có nghĩa là Mỹ nghĩ UAE và Ả Rập Saudi sẽ cố tình cung cấp công nghệ cho Trung Quốc.
Ông lập luận rằng Mỹ là đối tác quan trọng của cả hai nước và sẽ không muốn gây ra căng thẳng.
Các quan chức Mỹ có lẽ lo lắng rằng chip Nvidia dễ bị gián điệp hay giải cấu trúc để trích xuất thông tin hơn hoặc vô tình được chuyển sang Nga hoặc Trung Quốc, do sự hiện diện ngày càng tăng của hai quốc gia tại các nước vùng Vịnh, ông lý giải.