Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) ủng hộ tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá, rượu nhưng riêng với bia đề nghị cân nhắc. Ông phân tích, muốn tăng thuế với bia phải hài hòa giữa việc tăng thu và mục tiêu nuôi dưỡng nguồn thu, cũng như ảnh hưởng của thuế đến ngành sản xuất, người lao động.
Thời gian qua những ngành sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống chịu áp lực rất lớn, đặc biệt sau đại dịch Covid-19. Lượng khách quốc tế và trong nước sau dịch sụt giảm ảnh hưởng lớn đến thương mại dịch vụ ăn uống, tạo sức ép cạnh tranh rất lớn.
Ông Ngân dẫn số liệu ngành bia đóng góp ngân sách khá lớn, bình quân mỗi năm 56.000 tỷ đồng, người lao động trực tiếp trong ngành này cũng hơn 50.000 người, tuy nhiên thời gian qua có xu hướng sụt giảm nguồn thu và số lao động.
Các ngành nghề gián tiếp như phân phối bán lẻ, nhà hàng ăn uống cũng gặp khó khăn phải đóng cửa, do đó đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị có lộ trình tăng thuế đối với bia, tránh “cú sốc” để ảm bảo nguồn thu ngân sách, không ảnh hưởng lớn đến người lao động, doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu hoạt động.
Mức thuế suất với bia hiện là 65%, đại biểu cho rằng nên áp dụng thêm 2 năm nữa sau đó mới điều chỉnh lên 70%.
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho hay, phải đặt ngành đồ uống có cồn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của cả nền kinh tế để đánh giá tác động toàn diện trước khi tăng thuế.
Ngành rượu, bia liên quan trực tiếp đến các ngành nghề phụ trợ như sản xuất bao bì, đóng gói, vận chuyển và liên quan gián tiếp đến du lịch và ẩm thực.
Đại biểu nhấn mạnh cần ước lượng được với mức tăng thuế và lộ trình tăng thuế đề xuất, các ngành nghề khác sẽ chịu ảnh hưởng thế nào, mức ảnh hưởng này có thể được bù trừ bởi nguồn thu thuế tiêu thụ đặc biệt, hoặc giảm áp lực xã hội, gánh nặng y tế hay không.
Bà Hiền cho biết nhiều đơn vị phản ánh tình hình kinh doanh khó khăn, nếu tiếp tục kéo dài có thể cắt giảm nhân sự, đóng cửa nhà máy. Ngoài ra, cần xác định việc tăng thuế có ảnh hưởng tới nguồn thu và phát triển kinh tế của địa phương hay không.
Đại biểu lưu ý mục tiêu giảm tiêu thụ rượu, bia nhằm bảo vệ sức khỏe người dân là cực kỳ cần thiết, tuy nhiên để hiện thực hóa thông qua chính sách thuế thì phải có nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá sâu rộng, không chỉ thuần túy dựa vào khuyến nghị của tổ chức quốc tế để xây dựng luật.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) đồng tình với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia, thuốc lá. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần cân nhắc lộ trình. Việc đánh thuế là đánh vào hành vi, đánh thuế cao sẽ giảm hành vi hút thuốc và uống rượu bia.
“Qua khảo sát thì thấy rằng rượu bia phi chính thức, nhập lậu là nguyên nhân chính của các vụ ngộ độc nên cũng cần công bằng với doanh nghiệp trong nước làm ăn nghiêm túc”, ông Hạ phát biểu và đề nghị đánh giá đầy đủ, hài hòa sự tác động việc điều chỉnh thuế.
Tại đoàn Hà Nội, đại biểu Dương Minh Ánh cho rằng, việc tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia, gây tác hại đến sức khỏe của người dân và trật tự an toàn xã hội. Từ đây sẽ làm giảm gánh nặng chi phí y tế do tác hại của rượu, bia gây ra; giữ an toàn khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên, theo nữ đại biểu xét về nhiều mặt, khi tăng thuế với mặt hàng nào cần cân nhắc lộ trình cho phù hợp, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, thị trường, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng thuế.
“Nếu tăng thuế quá nhanh và mạnh khiến các doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp làm sụt giảm sản lượng đột ngột dẫn đến nhiều dự án đầu tư thua lỗ, không thể thu hồi được vốn.
Việc giảm sản lượng quá nhanh tác động tiêu cực đến công ăn, việc làm của người lao động, số lượng lao động dôi dư từ các nhà máy rượu, bia chưa kịp để chuyển đổi nghề nghiệp”, đại biểu đề nghị cân nhắc giãn việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành rượu, bia và bắt đầu áp dụng từ năm 2027 trở đi.
Làm rõ định hướng thu thuế đối với sàn TMĐT và kinh doanh trên nền tảng số
Chính phủ đề xuất, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo các hình thức kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số phải nộp thuế đối với thu nhập chịu thuế phát sinh tại Việt Nam.
Chính phủ quy định ngưỡng doanh thu hằng năm không chịu thuế VAT
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Chính phủ quy định ngưỡng doanh thu hằng năm thuộc diện không chịu thuế VAT.