Tại thảo luận tổ ở Quốc hội chiều nay 26/10, Tổng Bí thư Tô Lâm nhìn nhận sau 40 năm đổi mối, đất nước đã có những thành tựu và phát triển vượt bậc. “Có thể mạnh dạn nói là những kỳ tích, thắng lợi đó rất vĩ đại, đặc biệt trong nhiệm kỳ vừa qua”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Qua thời kỳ lo “cái ăn, cái mặc” đến lúc phải lo “mặc đẹp, ăn ngon, sống sạch”
Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, 40 năm trước đất nước ta vô cùng khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu, qua chiến tranh, bị bao vây cấm vận. Sau 40 năm, vị thế đất nước đã khác và như Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần đánh giá. Chúng ta có quyền tự hào về điều đó.
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, về tổng thể chung, đà phát triển chung rất vĩ đại. Vị thế đất nước, đời sống nhân dân, kinh tế – xã hội nhiều mặt, kinh tế xã hội an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền đất nước.
“Chúng ta mới đánh giá thực hiện 50 năm thực hiện di chúc của Bác, điều mà Bác mong chúng ta đã thực hiện được”, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Lãnh đạo cao nhất của Đảng khẳng định, toàn Đảng toàn dân đoàn kết, thống nhất, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, và giàu mạnh, đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của thế giới.
“Rõ ràng đất nước chúng ta độc lập rồi, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ rồi, ngày càng được củng cố, cuộc sống nhân dân ấm no, hạnh phúc. Bây giờ có của ăn rồi, thì phải ăn sạch và ăn ngon chứ không phải chỉ là ăn no nữa. Chúng ta qua được chặng đường, bước đi như vậy là rất tốt. Chúng ta qua thời kỳ mặc ấm rồi, phải thời trang, mặc đẹp cơ. Đó là bước phát triển của đất nước”, Lãnh đạo cao nhất của Đảng nhấn mạnh.
Điểm qua những thành tựu nổi bật đạt được, nhưng Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn cho rằng thực tế đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức và lo lắng.
“Chúng ta cần làm sao để phát triển kinh tế xã hội phải đi vào bền vững, được đến tận tay người dân, nhìn thấy nâng cao mức sống của người dân. Đó mới là mục tiêu cao của chúng ta, bộ mặt xã hội thay đổi. Tăng trưởng như thế, tiền dân đóng góp như thế, dân giàu nhưng chưa đưa được nguồn lực ấy vào sản xuất kinh doanh, nếu vào được nữa thì rất hay, mới phát triển được bền vững”, Tổng Bí thư bình luận.
Tổng Bí thư khẳng định, nền tảng công nghiệp cần được phát triển, những cái mới đòi hỏi chúng ta phải đáp ứng được. Những ngành cơ bản, cốt lõi của nền kinh tế phải được phát triển, chứ ở đâu đó con số phát triển mới chỉ dựa trên từ đất đai, đầu tư vốn của FDI.
Ông khẳng định: Phát triển từ đất đai, từ FDI chỉ trong một giai đoạn nhất định thôi. Chứ có địa phương phát triển rất tốt, phụ thuộc đầu tư nước ngoài mà có dự án rút đi là chới với, thậm chí tăng trưởng âm ngay. Cái phát triển bền vững như vậy là chưa có. Vì thế, yêu cầu là phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Người dân cũng mong muốn cuộc sống ấm no, chỉ số hạnh phúc, quan hệ xã hội, môi trường sống phải tốt.
Phân tích về vấn đề chống lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm mừng vì nhiều đại biểu quan tâm đến vấn đề lãng phí, ông nhấn mạnh: “Tôi rất quan tâm và nhiều người cũng bức xúc”.
Tổng Bí thư khẳng định: “Vấn đề lãng phí là nhìn thấy được, nhưng khi người dân hỏi không trả lời được. Dân người ta hỏi đất vàng ở đây quý lắm, ra bao nhiêu tiền, nhưng sao để đứng yên như thế, hàng chục năm vẫn thấy cỏ mọc! Ai phải chịu trách nhiệm chứ!? Nhà nước, doanh nghiệp hay ai được cấp phải có trách nhiệm. Tại sao không làm và nếu không làm phải thu lại. Nếu làm mà vướng, thì vướng chỗ nào phải tháo gỡ chỗ đó, không thể để như vậy”.
Tổng Bí thư cho rằng: “Các vụ án đưa ra, ai vi phạm đã xử lý rồi, tài sản là của Nhà nước, là tiền của của nhân dân. Người dân họ thấy nói hay lắm, nhưng tại sao lại để thế này? Tỉnh làm, trung ương làm hay ai làm thì phải có địa chỉ chứ!? Hay của Nhà nước thì chả là của ai!?”.
“Nếu là của nhà mình, chắc mình không chịu để thế, phải tìm cách cho thuê, cho mượn để ra tiền. Vậy mà của Nhà nước lại khổ, thiệt thòi như vậy!?”, Tổng Bí thư nói.
Tài sản của Nhà nước sao lại khổ, lại thiệt thòi đến vậy!?
Tổng Bí thư điểm hai các dự án lãng phí điển hình, trong đó có dự án phòng chống ngập lụt ở TP.HCM trị giá 10.000 tỷ đồng, trải qua 2 nhiệm kỳ rồi, tiền Nhà nước bỏ ra rồi nhưng người dân TP.HCM vẫn chịu cảnh ngập lụt. Phải làm thế nào, để mãi vậy thì cũng là vi phạm, dù không tham ô, tham nhũng thì cũng là lãng phí.
Hay hai bệnh viện tại Hà Nam, dân không có bệnh viện để khám chữa, Nhà nước bỏ tiền ra xây rồi, nhưng mà cũng hàng chục năm vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Nếu của tư nhân, họ đã thu hồi xong vốn, vốn đó đã được hoàn trả rồi. Nhưng Nhà nước vẫn để không thế, không ai chịu trách nhiệm à? Đó là lãng phí! “Làm sao lại để được như vậy”, Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư cho rằng: Kể ra thì nhiều ví dụ lắm, ví như ruộng đất quý như thế, mà cứ để cỏ mọc, chả biết của ai. Nhà nước bảo chia cho dân, dân thì cũng hết sức tập trung lao động, nhưng lại cứ để đó, bán thì không bán được.
Tổng Bí thư đề cập đến giải ngân đầu tư công, trong đó nói đến việc “có tiền” không “tiêu được”. “Giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng chưa được 50%, cả năm có tiêu được hết kế hoạch không?
“Chương trình mục tiêu quốc gia có hết rồi, nhưng lại quy định vướng cái nọ, vướng cái kia, vậy quy định đó do ai? Do mình chứ do ai. Tại sao mình làm chính sách lại vướng chính mình. Khó đến đâu cũng gỡ được”, Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc: “Sao có quy định để cuối cùng chính mình không làm được. Nhà nước không làm được, thì sao doanh nghiệp làm được?”
Ông cho rằng, hàng trăm dự án, hàng nghìn dự án địa phương cấp cho doanh nghiệp, nhưng cuối cùng triển khai vướng cái nọ, cái kia, cứ đứng chờ nhau… tất cả do mình.
Tổng Bí thư khẳng định: Phải có phối hợp chính sách, Chính phủ vướng cái nào, phải trao đổi thảo luận với Quốc hội và ngược lại “không thể đổ lỗi và cũng không thể chờ đợi nhau được”.
Theo Tổng Bí thư, nhiều công trình Nhà nước phải đi vay tiền để làm, thậm chí vay của nước ngoài với lãi suất cao, nhưng mình lại phải để đó.
Tổng Bí thư yêu cầu phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước, bởi doanh nghiệp trong nước không thua kém gì. “Tại sao không tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước. Tiền chúng ta có, nguồn nhân lực chúng ta có, sự say mê sáng tạo có… Vậy cái gì là vướng ở đây? Tại sao không tôn trọng nguồn lực và sự sáng tạo, sức lao động. Những điều này đặt ra cho chúng ta vấn đề suy nghĩ”.
“Tiềm năng đất nước phải được tạo ra của cải vật chất. Tôi hết sức sốt ruột, không thể chậm trễ hơn được. Nếu đứng chờ, thì lỡ hết cơ hội”, Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Mục tiêu đã rõ, đã bàn rõ rồi, năm 2024 phải làm cái gì? Năm 2025 phải đạt được cái gì? Năm 2030 sẽ làm được gì? Phải có bước đi, lộ trình để đến năm 2045 chúng ta có kết quả chứ không phải tự nhiên chúng ta đạt được mục tiêu của đất nước đâu.
Tổng Bí thư khẳng định năm 1975 chúng ta sung sướng khi đất nước thống nhất, sang năm 2025 đất nước sẽ kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhưng rõ ràng đòi hỏi của thời cuộc còn lớn, nhìn ra thế giới, họ phát triển vượt bậc!
Tổng Bí thư nêu ví dụ: “Vừa qua, chúng tôi thăm Ireland, trước đây họ là nước nghèo nhất châu Âu. Dân số hiên nay của họ có 5,2 triệu dân, nhưng thực tế người Ireland có khoảng 80 triệu ở nước ngoài, đặc biệt ở Mỹ, nhiều nhà khoa học, tinh hoa. Họ phát triển hiện thu nhập bình quân thứ 2 thế giới, quy mô GDP hơn 500 tỷ USD/năm, thu nhập bình quân 150.000 USD/năm.
Tại sao họ phát triển như vậy, họ đi vào công nghệ lõi thế giới, công nghệ số, công nghệ sinh học. Tất cả các ngành công nghệ lớn cốt lõi của thế giới đều có mặt ở Ireland.
Tổng Bí thư cho rằng: “Phải nhìn vào những tấm gương để đi, nếu không vươn mình để đi cứ lò dò, lom dom thế này nữa sẽ rất khó khăn. Và phải đi ra mới thấy thế giới như nào, chúng ta ở đâu”.
Tổng Bí thư khẳng định: “Chứng kiến tốc độ phát triển của thế giới, thấy rất sốt ruột. Họ đã rất tiến bộ, đi vào nghiên cứu vũ trụ, nghiên cứu kéo dài tuổi thọ con người lên 120 tuổi đến 140 tuổi, vì thế chúng ta không thể chậm được”.