Chính sách thị trường trái phiếu doanh nghiệp hơn hai thập niên qua
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bắt đầu hình thành từ năm 2000. Cùng với dòng chảy kinh tế và hoàn thiện khung pháp lý, từ năm 2011 thị trường TPDN bắt đầu phát triển và chỉ sau vài năm đã nhanh chóng trở thành kênh huy động vốn chính cho doanh nghiệp, bên cạnh kênh vốn tín dụng ngân hàng.
Báo cáo của Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, giai đoạn 2011 – 2018, thị trường TPDN tịnh tiến từ từ về quy mô, duy trì dư nợ bình quân tương đương chưa tới 4.4% GDP. Lượng TPDN phát hành giai đoạn này đạt 643,524 tỷ đồng, bình quân 80,440 tỷ đồng/năm. Trong đó, phát hành ra công chúng 23,936 tỷ đồng (bình quân 3,000 tỷ đồng/năm), riêng lẻ 619,588 tỷ đồng (bình quân 77,448 tỷ đồng/năm).
Năm 2019 đánh dấu sự tăng trưởng mạnh so giai đoạn trước đó. Lượng TPDN phát hành tăng hơn 30% so với năm 2018, chính thức vượt qua lượng trái phiếu Chính phủ và đưa dư nợ tương đương gần 11% GDP, riêng TPDN riêng lẻ là hơn 10% GDP. Điều này cho thấy, doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến kênh trái phiếu để huy động vốn thay cho kênh tín dụng ngân hàng.
2021 được xem là năm bùng nổ của TPDN. Tổng lượng phát hành trong năm lên đến 742.7 ngàn tỷ đồng, gấp đôi trái phiếu Chính phủ và dư nợ tương đương 14.75% GDP.
Sang 2022, thị trường chứng kiến nhiều sự vụ khiến niềm tin suy giảm, gây ra hệ lụy liên tiếp, Chính phủ bắt đầu siết loại hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, đặc biệt là giai đoạn cuối năm. Hệ quả, lượng TPDN phát hành trong năm đạt chưa đầy 270 ngàn tỷ đồng, giảm 64% so với năm đỉnh 2021.
Bước sang 2023, TPDN nhìn chung tương đối trầm lắng trong nửa đầu năm, dưới sức ép phần lớn từ trái chủ, nhiều doanh nghiệp lâm vào cảnh cùng đường, dùng đến biện pháp bán bớt, thanh lý tài sản để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ. Mặt khác, hoạt động phát hành mới cũng bị siết chặt hơn bởi các chính sách của Chính phủ, nhằm bảo vệ tốt hơn cho nhà đầu tư, thanh lọc những doanh nghiệp không đủ năng lực huy động trái phiếu. Tình hình có phần ấm lên vào nửa cuối năm. Tính chung năm 2023, giá trị phát hành TPDN đạt 311.2 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 15% so năm trước.
Giá trị phát hành TPCP và TPDN giai đoạn 2017 – 2023 (Đvt: Tỷ đồng)
Nguồn: Tổng hợp từ VBMA
Quy mô dư nợ TPDN so với GDP giai đoạn 2011 – 2022
Nguồn: Tổng hợp từ VBMA
Xuyên suốt hơn 2 thập niên của thị trường TPDN, các chính sách liên tục được ban hành, cập nhật, để đảm bảo cho thị trường vận hành công khai, minh bạch và bền vững, giữ vững vai trò là kênh huy động vốn hiệu quả cho doanh nghiệp.
1994 – 2005 được xem là giai đoạn sơ khai của thị trường TPDN. Một trong những nền tảng pháp lý ban đầu là Nghị định 120/CP ngày 17/09/1994 về quy chế tạm thời việc phát hành trái phiếu, cổ phiếu DNNN; Nghị định 23/CP năm 1995 về phát hành trái phiếu quốc tế; Quyết định 212/QĐ/NH1 năm 1994 của NHNN về thể lệ phát hành trái phiếu ngân hàng thương mại, ngân hàng đầu tư và hướng dẫn phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng. Giai đoạn sơ khai này, một vài doanh nghiệp Nhà nước ngành điện, xi măng hay ngân hàng đã huy động vài tỷ đồng hoặc vài trăm tỷ đồng trái phiếu.
2006 – 2010 là giai đoạn đầu phát triển. Mở màn là Luật chứng khoán 2006 và sau đó là Luật chứng khoán 2010 lần đầu quy định về phát hành ra công chúng và riêng lẻ. Cụ thể hơn, có Nghị định 52/2006/NĐ-CP về phát hành trái phiếu, Nghị định 53/2009/NĐ-CP về phát hành trái phiếu quốc tế. Nhờ những chính sách này, các doanh nghiệp Nhà nước đầu tiên bắt đầu huy động hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu như EVN, BIDV hay một số ngân hàng tư nhân cũng huy động trái phiếu. Năm 2010 ghi nhận 45 đợt phát hành TPDN với tổng giá trị gần 45.5 ngàn tỷ đồng.
2011 – 2017 là giai đoạn sau khủng hoảng kinh tế. Nhiều quy định dưới luật được ban hành như Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật chứng khoán, Nghị định 60/2015-NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 58, Nghị định 103/2013/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực chứng khoán, Thông tư 211/2012/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 90, Nghị định 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, Quyết định 507/QĐ-TTg về quy hoạch dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Giai đoạn này, khối lượng trái phiếu phát hành tăng qua từng năm. Tổng thời kỳ này đạt hơn 349.9 ngàn tỷ đồng, trung bình tăng 26%/năm. Một số doanh nghiệp phát hành ra quốc tế như Vingroup, Masan, VietinBank.
2018 – 2020 được xem là giai đoạn tăng trưởng với việc cập nhật các quy định về TPDN như Luật chứng khoán 2019; Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành TPDN; Nghị định 145/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định 108/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán; Thông tư 77/2020/TT-BTC hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 81/2020/NĐ-CP quy định về phát hành TPDN; Thông tư 162/2015/TT-BTC hướng dẫn chào bán chứng khoán ra công chúng; Quyết định 384/QĐ-SGDHN ngày 28/07/2020 ban hành quy chế vận hành Chuyên trang thông tin TPDN tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội – được xem là một trong những chính sách quan trọng trong việc công bố thông tin về TPDN.
Kết quả cho thấy, giai đoạn này, TPDN phát hành tăng trưởng tới hơn 50%/năm, tổng khối lượng phát hành xấp xỉ 1.04 triệu tỷ đồng.
Từ 2021, cũng chính là sau giai đoạn tăng trưởng nóng. Thị trường áp dụng khuôn khổ mới để “nắn” TPDN. Trong đó hàng loạt quy định được ban hành như Nghị định 153/2020/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ trong nước và chào bán ra thị trường quốc tế; Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Chứng khoán; Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán; Thông tư 122/2020/TT-BTC hướng dẫn chế độ công bố thông tin và báo cáo theo quy định của nghị định số 153; Thông tư số 118/2020/TT-BTC hướng dẫn chào bán, phát hành chứng khoán, chào mua công khai, mua lại cổ phiếu, đăng ký công ty đại chúng và hủy tư cách công ty đại chúng;
Nghị định 128/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 156; Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP; Nghị định 08/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các nghị định quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ; Thông tư 12/2021/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước;
Thông tư 01/2021/TT-NHNN quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Thông tư 120/2020/TT-BTC quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, TPDN, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán; Thông tư số 16/2021/TT-NHNN quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN; Quyết định số 14/QĐ-SGDVN năm 2021 về việc ban hành Quy chế vận hành Chuyên trang thông tin về TPDN tại HNX.
Bước ngoặt trong năm 2023 là Thông tư 30/2023/TT-BTC hướng dẫn giao dịch TPDN chào bán riêng lẻ tại thị trường trong nước. Với sự ra đời của hệ thống giao dịch trái phiếu riêng lẻ vào ngày 19/07/2023, cơ quan chức năng đánh giá điều này góp phần tăng tính thanh khoản của thị trường, các dữ liệu trên hệ thống sẽ phục vụ công tác hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước đối với những vi phạm có thể phát sinh trên thị trường.
Trên đây là những quy định mang tính giám sát toàn thị trường TPDN nói chung. Tuy nhiên, 2 năm vừa qua, “quả bom” TPDN của riêng nhóm ngành bất động sản đã khiến việc huy động qua kênh này dường như tê liệt hẳn vào một số thời điểm nhất định. Rất nhiều văn bản, cảnh báo, khuyến cáo cùng giải pháp quản lý, giám sát, trấn an của các bộ ngành liên tục được đưa ra để tháo ngòi nổ, đảm bảo thị trường ổn định, bền vững.
TPDN không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. TPDN do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được chào bán và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; doanh nghiệp phát hành phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư; nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt; doanh nghiệp phát hành phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ đã cam kết; doanh nghiệp phát hành trái phiếu chủ động đàm phán với trái chủ để xem xét cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu… có lẽ là những gì mà nhà đầu tư liên tục được nghe đến trong 2 năm qua.
Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới, sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. Còn trái phiếu riêng lẻ, Bộ đưa những giải pháp bình ổn sự biến động của thị trường.
“Thời kỳ khó khăn nhất về tài chính, dòng tiền của doanh nghiệp bất động sản về cơ bản đã qua” – chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực nhìn lại thị trường TPDN, đặc biệt là đối với doanh nghiệp bất động sản. Ông cho biết, năm 2023, thị trường đã ấm trở lại. Đây có thể được xem là điểm rơi của thị trường.
Chính sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống tài chính và tiếp cận toàn diện, đồng bộ ở 3 điểm nóng gồm bất động sản, trái phiếu riêng lẻ, vốn tín dụng mà thị trường trái phiếu 2023 đã hạ cánh mềm.
Thu Minh