TP.HCM trình Thủ tướng đề án Cảng trung chuyển Cần Giờ
UBND TP.HCM đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo về đề án xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Ngày 23-8, UBND TP.HCM đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Theo đó, đề án nêu rõ định hướng nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Trong đó, quan điểm là phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đồng bộ, hiện đại, tự động hoá; hướng bền vững, sử dụng nhiên liệu sạch, bảo vệ môi trường được xem xét như một bộ phận cấu thành không tách rời của quá trình đầu tư xây dựng, kinh doanh khai thác, trở thành cảng xanh đầu tiên tại Việt Nam.
Phối cảnh cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ của đơn vị tư vấn. (Ảnh do đơn vị tư vấn cung cấp)
|
Mục tiêu là nghiên cứu xây dựng Cảng trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế của TP.HCM và khu vực, thu hút các hãng tàu, vận tải, chủ hàng, doanh nghiệp logistics về cảng, tham gia vào chuỗi cung ứng vận tải thế giới. Công suất dự kiến đến năm 2030 đạt 4,8 triệu Teu, đến năm 2047 đạt 16,9 triệu Teu.
Chiều 18-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác Trung ương, TP.HCM đã có chuyến đi khảo sát dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Tại đây, Thủ tướng yêu cầu những bộ, ngành liên quan phối hợp với TP.HCM và các cơ quan triển khai các bước tiếp theo, hoàn thiện hồ sơ dự án vào tháng 7.
|
Theo đề án, Cảng được xây tại khu vực Cù lao Con Chó, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ. Đây là khu vực nằm trong vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không ảnh hưởng đến vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Đồng thời, khu vực này không nằm trong các khu vực bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước của TP.
Về quy mô: tổng chiều dài cầu cảng chính dự kiến khoảng 7 km và bến sà lan dự kiến khoảng 2 km.
Tổng diện tích xây dựng cảng khoảng 571 ha, trong đó khoảng 469 ha là cầu cảng, kho bãi, giao thông nội bộ, khu văn phòng, nhà ở công nhân viên điều hành, khai thác cảng, hạ tầng kỹ thuật… và hơn 101 ha là diện tích vùng nước hoạt động cảng.
Cảng sẽ khai thác tàu có trọng tải lên đến 250.000DWT (24.000 Teu), tàu trung chuyển có trọng tải từ 10.000 – 65.000 tấn (750 – 5.200 Teu) và sà lan trọng tải tới 8.000T (356 Teu).
Trên cơ sở nhu cầu hàng hóa thông qua cảng, dự kiến phân kỳ đầu tư trong hai giai đoạn; tổ chức đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (gồm đầu tư 2/7 bến chính), giai đoạn 2 (2030-2045) sẽ tiếp tục đầu tư toàn bộ các bến chính còn lại .
Cụ thể, chuẩn bị đầu tư từ năm 2023 đến năm 2024; xây dựng cảng từ năm 2024 đến năm 2026; khai thác cảng từ năm 2027.
Về nguồn vốn đầu tư, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, công trình phụ trợ phục vụ hoạt động khai thác cảng, trung tâm dịch vụ logistics và khu vực phi thuế quan sẽ đầu tư bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Hạ tầng giao thông, kỹ thuật kết nối cảng sẽ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn đầu tư hợp tác công tư PPP hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác.
Đánh giá tác động đến hiệu quả kinh tế – xã hội, UBND TP.HCM cho biết Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ thu hút được số vốn đầu tư lớn từ doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hạ tầng cảng biển hiện đại.
Đồng thời tạo việc làm cho khoảng 6.000-8.000 nhân viên, lao động làm việc tại cảng và tạo hàng chục ngàn lao động phục vụ các ngành dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan…
Khi cảng đi vào hoạt động và đạt công suất thiết kế, sơ bộ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước thông qua các khoản thuế từ hoạt động bốc xếp, lưu bãi của doanh nghiệp cảng; thuế thu nhập doanh nghiệp; các loại phí, lệ phí hàng hải từ tàu vào, rời cảng; phí thuế mặt nước và thuế xuất nhập khẩu hàng hoá khoảng 34.000 – 40.000 tỉ đồng/năm.
LÊ THOA