Quan trọng hơn, việc đẩy lượng, đẩy giá trong khi không kiểm soát tốt về chất có thể khiến trái sầu riêng đi vào kịch bản “giải cứu” của nhiều loại nông sản trước đó.
“Làm giá, chốt non” nở rộ
Thời điểm này, các vườn sầu riêng ở Khánh Hòa, Đắk Lắk đang vào giai đoạn thu hoạch, nhưng giá nhảy múa loạn xạ. Theo phản ánh, từ 2 tháng nay nhiều thương lái đã gạ gẫm dù chủ vườn không muốn bán. Đến mức có người treo hẳn bảng thông báo: “Sầu còn non, chưa bán được”, để tránh bị làm phiền.
Ông Lê Văn Nam, phụ trách kỹ thuật Công ty Cổ phần Đoàn Kết (Đắk Lắk), cho biết sầu riêng đang vào vụ thu hoạch rộ đến khoảng 20 ngày nữa thì kết thúc. Công ty có diện tích trồng sầu riêng trên 130 ha, giá bán sầu riêng từ 70.000 – 85.000 đồng/kg tùy chất lượng. Nhờ có số lượng lớn và chất lượng tốt nên sản phẩm của công ty ít bị ảnh hưởng bởi sự bất cập của thị trường bên ngoài. Dù vậy theo ông Nam, giá sầu riêng đang ở mức cao nên thị trường tại địa phương xảy ra nạn thương lái tranh mua tranh bán, đôn giá, thổi giá làm rối loạn và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Một số nhà vườn ở Đắk Lắk so sánh, năm ngoái khi chưa xuất khẩu được, sầu riêng bán xô tại vườn giá chỉ 40.000 – 42.000 đồng/kg, với giá này nhà vườn cũng đã có lãi. Tuy nhiên, năm nay do Trung Quốc nhập khẩu nên giá đã lên cơn sốt, sầu riêng chất lượng loại C đã 60.000 đồng/kg, loại A lên đến 90.000 đồng/kg. Cũng vì giá tăng phi mã, trước vụ thu hoạch cả tháng đã có thương lái đến xin chốt giá, cọc tiền mà thị trường gọi là “mua non hay bán non”. Một số chủ vườn thú nhận, bán non có cái lợi là cầm được tiền cọc nên yên tâm. Nhưng thương lái chốt cọc xong, sẽ tăng cường phân, thuốc để sầu riêng đạt năng suất cao. Điều này sẽ làm giảm chất lượng quả sầu riêng và giảm tuổi thọ cây.
Diện tích sầu riêng VN tăng nhanh
Sầu riêng trên thế giới chủ yếu trồng ở Đông Nam Á. Trong đó, VN đứng thứ 3 về diện tích và sản lượng, sau Indonesia (gần 1,4 triệu tấn/năm), Thái Lan (hơn 1,2 triệu tấn/năm).
Năm 2017, cả nước có 37.000 ha, đến năm 2022 đã tăng lên 110.300 ha. Trong đó, hiện có hơn 54.000 ha cho thu hoạch với sản lượng gần 850.000 tấn. Trong giai đoạn này, bình quân mỗi năm diện tích trồng cây sầu riêng của VN tăng 24,5%.
Sầu riêng của VN hiện tập trung tại 4 vùng gồm: Tây nguyên có diện tích tăng nhanh, đứng thứ nhất và hiện chiếm hơn 47% diện tích cả nước; ĐBSCL chiếm gần 30%; Đông Nam bộ chiếm gần 19% và Duyên hải Nam Trung bộ chiếm 4,2%.
Ở một góc độ khác, theo bà Khuông Thị Mơ, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng tại H.Krông Pắk (Đắk Lắk): “Hiện nay có nhiều thương lái từ nơi khác treo giá cao, nông dân thấy vậy cũng quyết giữ giá. Hiện nay họ đòi 80.000 đồng/kg nhưng trừ hao hụt và phân loại thì rủi ro rất cao”.
Thực trạng này không chỉ mới xuất hiện mà đã tồn tại trong nhiều năm qua. Nhưng năm nay, do giá sầu riêng tăng cao khiến tình hình càng thêm phức tạp. Chính vì vậy, hồi giữa tháng 7 trước khi vào vụ thu hoạch, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đã tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm cảnh báo tình trạng này để giúp các doanh nghiệp, thương lái và chủ vườn có cùng góc nhìn và tìm được tiếng nói chung cho cả ngành hàng. Theo phân tích của các doanh nghiệp, giá thành sản xuất sầu riêng dưới 22.000 đồng/kg, nếu nhà vườn bán 40.000 đồng/kg vẫn có lãi tốt. Doanh nghiệp nhận hàng nguyên liệu về tổ chức chế biến cộng với vận chuyển tốn thêm khoảng 25.000 đồng/kg. Các doanh nghiệp có thể giữ giá xuất khẩu ở mức dưới 80.000 đồng/kg sản phẩm loại A là một mức giá hợp lý. Nếu từng khâu cứ “thổi giá” lên quá cao, có thể khách hàng sẽ không chấp nhận dẫn đến nguy cơ “vỡ trận”. Hiện tại vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng cần được quan tâm để đảm bảo uy tín của sầu riêng VN có thể cạnh tranh lâu dài.
Bài học cam, xoài, thanh long vẫn nóng
Nhìn lại suốt nhiều năm qua, nền nông nghiệp VN đã chứng kiến nhiều cuộc chạy đua mở rộng diện tích theo phong trào để rồi sụp đổ, thua lỗ và không ít trường hợp phải giải cứu. Ví dụ như trái cam. Theo Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực cả nước đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, diện tích trồng cam ổn định ở mức khoảng 100.000 ha, sản lượng 1,2 – 1,3 triệu tấn/năm. Thế nhưng mới đến năm 2021, diện tích trồng cam đã đạt 93.000 ha, sản lượng 1,5 triệu tấn. Việc lên ngôi của cây cam sành trong thời gian đại dịch Covid-19 đã khiến diện tích trồng cam tăng vọt, nhiều người đã bỏ lúa trồng cam. Tuy nhiên, chỉ sau 1 năm, giá cam rớt mạnh do cung vượt cầu. Cam sành tại vườn rớt xuống còn 3.000 đồng/kg và nhiều nơi đã phải tổ chức “giải cứu cam”.
Đó cũng là câu chuyện của trái thanh long. Ông Trần Ngọc Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH thanh long Hoàng Hậu, kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả VN, cho biết: Thanh long từng là cây trồng tỉ USD với 80 – 90% sản lượng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Nhưng những năm gần đây do Trung Quốc trồng thanh long nhiều, nên sản phẩm của chúng ta không cạnh tranh lại, chỉ còn tiêu thụ khá vào một số thời điểm Trung Quốc không có hàng. “Theo kinh nghiệm nhiều năm gắn với cây thanh long, tôi nhận thấy sản phẩm này không còn khả năng phát triển. Chúng ta phải tìm giải pháp, hướng đi nào đó dài hạn hơn. Bản thân tôi 2 năm qua cũng chuyển đổi một phần diện tích sang trồng cây thời thượng hiện nay là sầu riêng. Một phần diện tích thanh long thì đẩy mạnh chất lượng để duy trì thị phần”, ông Hiệp nói.
Người ta sẽ không ăn sầu riêng bất chấp mức giá nào
Ngoại từ một số phân khúc đặc biệt, người ta sẽ không bất chấp mọi giá để ăn sầu riêng. Chính vì vậy chúng ta cần thực tế hơn và bán với mức giá phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Hiện tại, sầu riêng là mặt hàng vua của các loại trái cây vì giá khá cao. Nếu cứ mải mê đẩy giá mà quên mất ngưỡng chịu đựng của người tiêu dùng thì sẽ rất nguy hiểm. Vì chúng ta thường nói về giá sầu riêng, nhưng sầu riêng thường bán theo trái trung bình 3 kg, tính ra giá lại còn cao hơn rất nhiều. Vấn đề là làm sao cân bằng quyền lợi của người sản xuất đến thị trường và các khâu trung gian. Để làm được điều đó phải liên kết lại và hợp tác cùng nhau trên cơ sở minh bạch thông tin: người trồng lợi nhuận bao nhiêu, thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu thế nào. Hiện nay vấn đề của thị trường nội địa chúng ta là các bên đều nghĩ rằng mình chịu thiệt thòi hơn những khâu còn lại nên có điều kiện cứu “thổi, đẩy giá”, làm cho tình hình càng rối.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó trưởng Chi nhánh
Cần mở thêm nhiều thị trường
Cây sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với cây trồng khác, do đó nông dân đã mở rộng diện tích sản xuất nhanh chóng thông qua trồng xen trong các vườn cà phê tại Tây nguyên, trồng xen trong vườn cây ăn quả, đặc biệt là chuyển đổi một số diện tích lúa sang trồng cây sầu riêng tại vùng ĐBSCL. Có rất nhiều vấn đề xảy ra khi nông dân trồng sầu riêng trên một số loại đất chưa phù hợp như đất sét nặng, đất nhiễm phèn…; gây ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây. Ngoài ra, nông dân thiếu kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác cây sầu riêng; chất lượng cây giống chưa đảm bảo; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, ít vùng sản xuất tập trung, thiếu tính liên kết sản xuất; đầu ra chưa thật sự ổn định, đặc biệt phụ thuộc chính vào thị trường Trung Quốc… Do đó, cần mở rộng thêm nhiều thị trường tiêu thụ cho trái sầu riêng để tránh phụ thuộc vào một thị trường nhất định và trúng mùa rớt giá.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) phía nam của Hội Làm vườn VN
Điều trăn trở của ông Hiệp là có thể hiểu được. Theo định hướng phát triển diện tích cây thanh long đến năm 2030 ổn định khoảng 60.000 – 65.000 ha, sản lượng 1,3 – 1,5 triệu tấn, nhưng đến nay diện tích thực tế đã đạt 64.000 ha, sản lượng gần 1,4 triệu tấn. Cũng vì phát triển quá nóng, trong 2 năm xảy ra dịch Covid-19, việc tiêu thụ gặp khó khăn, người dân lại chặt bỏ thanh long để trồng cây khác, khiến diện tích đã giảm bớt.
Tương tự đối với xoài, định hướng đến năm 2030 có khoảng 130.000 – 140.000 ha, song đến năm 2021 đã có 114.000 ha. Tỉnh Đồng Tháp có diện tích xoài với gần 14.000 ha, sản lượng trên 185.000 tấn, trong đó diện tích trồng xoài Đài Loan chiếm từ 20 – 30% diện tích. Ở vụ thu hoạch xoài vừa qua, giá xoài thấp kỷ lục. Giá thành xoài Đài Loan là 8.000 đồng/kg nhưng chỉ bán được với giá từ 3.000 – 5.000 đồng/kg khiến người trồng lỗ nặng. Đáng nói là trái xoài Đài Loan cũng như các loại nông sản khác cũng đều tăng trưởng nóng xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc.
Trở lại với sầu riêng, theo Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), trong Quy hoạch trồng trọt định hướng đến năm 2030, cả nước phát triển khoảng 65.000 – 75.000 ha sầu riêng, với sản lượng 830.000 – 950.000 tấn. Thế nhưng tính đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng cả nước vào khoảng 110.000 ha, tăng khoảng 25.000 ha so với năm 2021 và vượt khoảng 35.000 ha so với quy hoạch và vẫn đang tăng với cấp số nhân…, khi giá loại trái cây này đang trên đỉnh.
Không chỉ giá tăng, lượng tăng, vấn đề mà nhiều người lo ngại với sầu riêng hiện nay là chất lượng và mã số thời gian qua vẫn chưa được quản lý tốt. Cuối năm ngoái, khi Trung Quốc chính thức mở cửa chính ngạch cho xuất khẩu sầu riêng VN thì ngay tháng 9 đã xảy ra tình trạng “đánh cắp mã số” để xuất khẩu. Việc này gợi nhớ đến xoài Đồng Tháp. Giữa năm 2020, Trung Quốc đã ngưng nhập khẩu xoài Đồng Tháp vì mã số sản phẩm bị đánh cắp, mạo danh. Đây là những vấn đề mà các nhà sản xuất lớn vẫn nơm nớp lo lắng vì một số người tranh thủ cơ hội giá cao, làm ăn không nghiêm túc.