Không phải trà mãng cầu, đây mới là thức uống kiếm bộn tiền
Vượt qua trà mãng cầu, cà phê muối đang là thức uống được nhiều đơn vị kinh doanh thức uống thêm vào menu bán hàng.
Ngày 4-8, iPOS.vn đã công bố kết quả khảo sát thị trường kinh doanh ẩm thực (F&B) 6 tháng đầu năm 2023 tại Việt Nam. Khảo sát được thực hiện trên phạm vi 137 nhà hàng, quán cà phê, cùng 200 thực khách tại một số tỉnh thành trên cả nước, chủ yếu ở Hà Nội và TP.HCM.
Ông Vũ Thanh Hùng, Tổng giám đốc công ty cổ phần iPOS.vn cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, đa số doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực ghi nhận doanh thu giảm, hoặc giữ nguyên so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, khảo sát 137 chủ nhà hàng, cà phê tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, có tới hơn 40,1% doanh nghiệp F&B ghi nhận doanh thu giảm trong nửa đầu năm 2023. Nếu xét trên quy mô, doanh nghiệp F&B lớn (có từ 150 chỗ ngồi trở lên) có mức ảnh hưởng rõ rệt nhất, khi có tới 63,6% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu giảm.
Không chỉ thế, thị trường F&B cũng đã và đang chứng kiến những cuộc rời đi lặng lẽ của các thương hiệu lớn tại khu vực đắt giá. Tuy nhiên theo kết quả khảo sát, chỉ có 10,2% doanh nghiệp thừa nhận phải đóng cửa ít nhất một chi nhánh trong 6 tháng vừa qua. Đồng thời, 26,3% doanh nghiệp ghi nhận mở được thêm chi nhánh mới.
Dẫu vậy, iPOS.vn nhìn nhận, thị trường vẫn xuất hiện những tín hiệu tốt từ nhiều mô hình kinh doanh mới, được định vị ở phân khúc bình dân.
Tiêu biểu cà phê muối và trà mãng cầu là 2 món ăn được nhiều cửa hàng thêm vào menu (thực đơn) nhiều nhất trong 6 tháng đầu năm, với sức mua tăng cao. Trong đó, cà phê muối là thức uống có sức hút mạnh mẽ tới mức có tới 40,1% đơn vị được khảo sát đã thêm vào menu, dù đồ uống này chỉ mới xuất hiện vào đầu tháng 4.2023. Tiếp đến là trà mãng cầu với 34,3% doanh nghiệp F&B thêm món mới vào menu.
Cà phê muối đang là cơn sốt trong lĩnh vực kinh doanh F&B. Ảnh: HẠ QUYÊN
|
Cũng theo khảo sát này, người trẻ tuổi là đối tượng chi tiêu chủ lực trong lĩnh vực F&B, khi có tới 47,5% khách hàng thừa nhận mức chi tiêu 6 tháng đầu năm đã tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó phân khúc từ 23 – 25 tuổi là đối tượng có tỉ lệ tăng mức chi tiêu nhiều nhất.
Ngược lại, những người ở độ tuổi 26 – 31 tuổi lại có mức chi tiêu giảm nhiều nhất với 52%, một phần do họ ảnh hưởng bởi làn sóng “layoff” (sa thải nhân viên) của nhiều doanh nghiệp.
Về đánh giá cũng như dự báo kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm, theo iPOS.vn, qua khảo sát 200 chủ nhà hàng, cà phê thì có tới 40,1% doanh nghiệp F&B kỳ vọng 6 tháng cuối năm sẽ có nhiều chuyển biến tích cực.
Trong khi 38,4% chủ nhà hàng, cà phê lại lo ngại thị trường kinh doanh ẩm thực vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn phía trước.
Ngay cả phía thực khách, cũng có tới 50% người tham gia khảo sát cho biết, họ sẽ giữ nguyên mức chi tiêu dành cho ăn uống, bởi lo ngại sự khó khăn đến từ thị trường kinh tế. 32,5% thực khách sẽ giảm chi tiêu trong năm 2023 trong khi chỉ 17,5% thực khách là có mong muốn chi tiêu mạnh tay hơn để có thể trải nghiệm ẩm thực.
Dù vậy, nếu so với số liệu tương tự trong báo cáo thị trường kinh doanh ẩm thực 2022, thì tỉ lệ này đã có phần tăng trưởng rõ rệt.
“Giai đoạn cuối năm dự kiến là đáy của thị trường F&B, đặc biệt năm nay thị trường sẽ đón một kỳ nghỉ lễ cuối năm với sự tiết kiệm tối đa từ phía người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cần có những chiến lược phù hợp để vượt qua giai đoạn khó khăn này”- ông Vũ Thanh Hùng nhìn nhận.
THU HÀ